Vì sao các CLB Premier League được mệnh danh là "gà" trên thị trường chuyễn nhượng?

Thứ hai, 25/08/2014, 15:22
Trong khi các đội bóng lớn ở châu Âu lục địa có kế hoạch rõ ràng, một hệ thống tìm kiếm cầu thủ bài bản và trả giá sát sao, thì nhiều đội bóng Anh đang trả quá cao cho những cầu thủ ở cùng trình độ.

Man City đã phải chi rất nhiều tiền để mua được một trung vệ không thực sự nổi như Eliaquim Mangala

Man City đã phải chi rất nhiều tiền để mua được một trung vệ không thực sự nổi như Eliaquim Mangala.

Sir Alex Ferguson từng nói trên thị trường chuyển nhượng không có giá nào là chuẩn mực. So sánh 750 triệu euro mà các đội Premier League đã chi ra mùa hè này so với 500 triệu euro ở TBN và 250 triệu euro ở Đức, điều đó có thể đúng.

Những cầu thủ như Eliaquim Mangala và Shane Long có giá cao một cách khó hiểu khi chuyển sang một đội bóng Anh. Riêng mùa hè này, Premier League có tới 10 hợp đồng trị giá từ 25 triệu euro trở lên, so với 0 của Bundesliga.

Các đội bóng Anh phải mua cầu thủ giá đắt vì nhiều yếu tố. Trước hết là bởi họ luôn sẵn sàng trả giá cao và ngay cả những đội làng nhàng ở Premier League cũng có thể chi khá mạnh tay. Nhưng một lý do quan trọng nữa là họ thiếu một hệ thống chiêu mộ cầu thủ rộng khắp và một kế hoạch rõ ràng, khi ngay cả những đội bóng lớn như Man United giờ cũng đang loay hoay không biết làm gì, dù kỳ chuyển nhượng chỉ còn một tuần lễ.

Ezeqiuel Garay

Không phải các đội Premier League không có những hợp đồng hợp lý, như việc Everton đưa về Muhamed Besic với giá 5 triệu euro, nhưng những vụ vung tay quá trán vẫn là quá nhiều. Ezeqiuel Garay, hầu như không ai chú ý, đã chuyển tới Zenit St Petersburg từ Benfica trước World Cup với giá 6 triệu euro. Trước đó, anh được đồn đại có thể tới những đội hàng đầu ở Premier League với giá 30 triệu euro!

Tương tự là Mangala.Man City đã theo đuổi tuyển thủ Pháp từ kỳ chuyển nhượng mùa đông trước, nhưng để có sự phục vụ của anh, rốt cuộc họ đã phải bỏ ra 40 triệu euro cho Porto. Mangala trẻ hơn Garay (23 so với 27), nhưng về năng lực và kinh nghiệm, trung vệ người Argentina vẫn được đánh giá cao hơn. Thật khó hiểu là giá của Mangala lại có thể gấp gần 7 lần so với Garay.

Trong khi đó, Porto thay thế Mangala bằng Bruno Martins Indi, mới 22 tuổi, từ Feyenoord và là một trong những trung vệ chơi ổn định nhất ở World Cup trong màu áo ĐT Hà Lan. Giá của Indi: 7,5 triệu euro. Liệu Mangala có giỏi gấp 5 lần Martins Indi? Đồng hương của Martins Indi, Stefan de Vrij, cũng đã tới Lazio với mức phí chuyển nhượng tương tự.

Stefan de Vrij

Những ví dụ còn nhiều. Fabian Johnson chuyển từ Hoffenheim tới Moenchengladbach theo dạng CNTD ở Bundesliga. Những màn trình diễn của anh ở World Cup trong màu áo ĐT Mỹ được ca ngợi rất nhiều, và M'gladbach đã có một thương vụ khôn ngoan. Trong khi đó, Liverpool chi ra 20 triệu euro cho một hậu vệ trái người TBN từ Sevilla chưa hề được kiểm nghiệm ở môi trường đỉnh cao, Alberto Moreno.

Ander Herrera có thể đã có kinh nghiệm ở Europa League, nhưng anh còn một chặng đường dài để thực sự là một tiền vệ hàng đầu châu Âu. Nhưng Athletic Bilbao đã câu kéo được Man United bỏ ra 36 triệu euro cho cầu thủ này, mà đó là sau hai năm theo đuổi! Cùng lúc, Real Madrid có nhà vô địch World Cup và Champions League Toni Kroos, phải nói là trên Herrera một bậc, với giá 30 triệu euro.

Cựu đồng đội của Kroos ở Bayern Munich là tiền đạo Mario Manduzkic chuyển sang Atletico Madrid với giá 25 triệu euro, trong khi Southampton bỏ ra 15 triệu euro để đưa về Shane Long từ Hull City. Hãy thử so sánh hai chân sút đó. Long ghi được 15 bàn ở Premier League từ đầu mùa 2012/13 tới nay. Mandzukic ghi 53 bàn ở Bundesliga trong cùng khoảng thời gian, nhưng giành hai chức vô địch Bundesliga và một Champions League.

Adam Lallana

Adam Lallana khiến Liverpool tiêu tốn 30 triệu euro, trong khi một tuyển thủ Pháp và là tiền vệ nhiều kinh nghiệm ở Champions League - Mathieu Valbuena chuyển sang Dynamo Moscow với giá khoảng 7,5 triệu euro.

Các CLB Premier League đều rất giàu, và những đội bán cầu thủ cho họ biết điều đó. Doanh thu trong mùa giải của đội vô địch Premier League vào khoảng 125 triệu euro, và ngay cả đội bét bảng cũng sẽ bỏ túi 81 triệu euro. Dễ hiểu là đối với nhà giàu, bạn sẽ luôn muốn bán với giá cao.

Nhưng không chỉ có thế. HLV Steve Bruce của Hull City trong tuần này thừa nhận ông thích mua sắm ở trong nước hơn vì mạng lưới tuyển mộ cầu thủ của ông chưa thể vươn ra châu Âu. “Sẽ tới lúc chúng tôi có thể tìm hiểu thị trường ở nước ngoài nhiều hơn và tôi hy vọng điều đó tới trong 12 tháng nữa”, Bruce nói. “Để thành công ở thị trường nước ngoài, chúng tôi cần có mạng lưới tìm cầu thủ ở Đức, Italia, Pháp và TBN. Chúng tôi chưa đạt tới mức đó”.

Quá ít lựa chọn, Bruce và nhiều HLV Anh đành phải chấp nhận những cái giá cắt cổ. Long, cùng với Robert Snodgrass và Jake Livermore, đã tiêu tốn của Hull City 36 triệu euro trong mùa hè, đủ để mua được Kroos và Garay.

Marcos Rojo

Các đội Premier League cũng thiếu một kế hoạch nhất quán cho mùa chuyển nhượng, kể cả các đại gia. Man United là một ví dụ. Họ đưa về hậu vệ trái Luke Shaw với giá 38 triệu euro. Sáu tuần sau, Marcos Rojo, một hậu vệ trái khác, tới với giá 20 triệu euro. Ngay lúc này đây, họ đang bị Real Madrid "ép ra nước" vì thương vụ Angel Di Maria. Tiền vệ người Argentina rất giỏi, nhưng bất cứ cái giá nào quá 40 triệu euro cho anh đều là không tương xứng, vậy mà các tin đồn thậm chí nói Man United có thể trả 80 triệu euro cho cầu thủ này.

Cuối cùng, áp lực thành tích quá lớn ở Premier League, khi thời gian tại vị trung bình của các HLV chỉ là hơn một năm, khiến cho họ phải mua gấp, và khi đã gấp thì không thể tỉ mỉ. Các HLV mới được bổ nhiệm cũng sẽ muốn mua những cầu thủ của riêng họ, và sự kiên nhẫn là điều rất xa xỉ.

Theo Bóng Đá Plus

Các tin cũ hơn