Myanmar tinh quái không kém U19 Nhật Bản
Thất bại trong việc tranh ngôi đầu bảng B, U19 Việt Nam tái ngộ U19 Myanmar ở vòng bán kết. Nhận định về đối thủ này, huấn luyện viên Greachen phải thừa nhận: "Đây là một đối thủ phức tạp. U19 Myanmar đã tập luyện chung cùng nhau hai năm. Cầu thủ của họ có kỹ thuật, huấn luyện có tư duy chiến thuật tốt. Đây là trận đấu phức tạp và chắc chắn chúng ta phải mạnh mẽ, thi đấu chắc chắn hơn trận chung kết U22 Đông Nam Á. Ngoài ra, U19 Myanmar có 3 tiền đạo chơi phía trên rất nhanh nhẹn và có phẩm chất kỹ thuật tốt".
Nhận định của HLV Greachen hoàn toàn đúng đắn bởi U19 Myanmar đã chuẩn bị cực tốt cho giải U19 châu Á 2014 diễn ra trên sân nhà. Dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên lão luyện Gerd Zeise, các cầu thủ Myanmar tiến bộ chóng mặt. Không chỉ sở hữu kỹ thuật nổi trội, U19 Myanmar lại có thể hình, thể lực cực tốt. Lối đá của Myanmar khá rắn nhưng hợp lý và khiến đối thủ dễ phân tâm. Các miếng đánh đa dạng, khả năng chớp cơ hội tốt với những cầu thủ có tốc độ cao.
U19 Myanmar từng đánh bại U19 Nhật Bản (áo xanh) vào đầu năm 2014.
Sự khôn khéo, chớp cơ hội tốt là điều U19 Myanmar thể hiện ấn tượng nhất. Còn nhớ trận giao hữu vào đầu năm, U19 Myanmar từng gây sốc khi thắng U19 Nhật Bản bằng bàn thắng duy nhất của Maung Maung Soe. Tiền vệ mang áo số 8 này cùng hai đồng đội Aung Thu, Chan Aung cũng là những cầu thủ có khả năng xuyên phá tốt. Ba cầu thủ này từng lập công trong chiến thắng 4-3 của U19 Myanmar trước Việt Nam tại chung kết giải U22 Đông Nam Á 2014.
Lối chơi khoa học, chặt chẽ của người Đức đang biến U19 Myanmar trở thành một đối thủ khó chịu cho bất cứ đội bóng nào. Hàng phòng ngự chơi kỷ luật trong khi hàng công luôn biết ghi bàn ở những thời khắc quyết định.
Từ giải U22 đến giải U19 khu vực, hàng công Myanmar ghi 20 bàn trong bảy trận liên tiếp với hiệu suất gần 3 bàn một trận. Một hàng tấn công cực mạnh cùng hàng thủ chơi chắc chắn đang giúp U19 Myanmar trở thành đối trọng đáng gờm với U19 Việt Nam. Đó cũng là lý do giải thích vì sao U19 Myanmar có thể coi là "khắc tinh" của thầy trò Greachen ở thời điểm này.
Nhiều chuyên gia thừa nhận U19 Myanmar thi đấu già dặn trước tuổi, luôn thực hiện tốt yêu cầu từ ban huấn luyện. Hình ảnh của U19 Myanmar tỏ ra tinh quái, bản lĩnh không khác gì U19 Nhật Bản đã thể hiện ở giải đấu năm nay. Muốn đánh bại đối thủ này không dễ dàng gì và U19 Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn so với trận đấu với U19 Nhật Bản mới có thể nghĩ đến tấm vé lọt vào trận chung kết U19 Đông Nam Á vào ngày 11/9.
Khi U19 Việt Nam thiếu chút bản lĩnh
So với đội hình thắng đậm U19 Việt Nam 7 bàn trắng cách đây 8 tháng, U19 Nhật Bản chỉ có 4 cầu thủ ở giải năm nay. Những cầu thủ tốt nhất như chân sút Takumi Minamoto đang bận dự giải J-League hoặc chờ đến U19 châu Á mới xuất hiện, song HLV Suzuki Masakazu và học trò vẫn có chiến thắng 3-2 trước đội chủ nhà.
Điều nhận thấy rõ sau 90 phút đối đầu tại sân Mỹ Đình, U19 Nhật Bản thể hiện sự già dơ, bản lĩnh trong thời điểm quyết định. Thời điểm đội chủ nhà thăng hoa nhờ khả năng xoay chuyển cục diện của Công Phượng, U19 Nhật Bản vẫn là người làm chủ cuộc chơi.
Hình ảnh tiền vệ trụ Oyama xoạc bóng trước lúc Công Phượng dứt điểm mang lại nhiều điều đáng suy ngẫm. Dễ nhận thấy nhất, U19 Việt Nam thiếu mẫu cầu thủ "mánh khóe"' như Oyama. Trong sơ đồ U19 Nhật Bản, cầu thủ mang áo số 7 thường lùi sâu chơi ngay trên hai trung vệ. Tiền vệ trung tâm này thực hiện những pha băng cắt chính xác để giảm bớt nguy hiểm cho hàng phòng ngự. Dù phạm lỗi với Văn Toàn dẫn đến cú phạt đền cho đội chủ nhà vào cuối trận, Oyama vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ ban huấn luyện đề ra.
Trận thua Nhật Bản giúp U19 Việt Nam có thêm nhiều bài học bổ ích hướng đến trận đối đầu U19 Myanmar (đỏ) tại bán kết U19 Đông Nam Á 2014. |
Ngược lại, Xuân Trường hay Tuấn Anh bên U19 Việt Nam lại không định hình rõ phong cách như thế. Cả hai ngôi sao tuyến giữa đội chủ nhà đều như tiền vệ công chứ không phân định rõ vai trò phòng ngự. Điều này vô hình chung khiến hàng phòng ngự dễ bị vượt mặt khi thiếu mất tấm khiên che chắn ở phía trước. Pha dứt điểm gỡ hòa của Ideguchi Yosuke cũng bắt nguồn từ việc các tiền vệ lùi quá sâu mà không kèm chặt cầu thủ số 24 của đội bạn.
Hai bàn thắng của U19 Nhật Bản vào cuối trận cũng xuất phát từ việc chúng ta dâng cao để lộ khoảng trống ngay sát vòng cấm. Trước khi ghi bàn, cả Masaomi và Sota đều chuyền bóng thoải mái với đồng đội để ghi bàn. Hàng thủ có một ngày thi đấu tập trung, song lại thiếu sự bọc lót cần thiết để bảo vệ cho khung thành của Minh Toàn.
U19 Việt Nam cống hiến một trận đấu sòng phẳng, thậm chí lấn lướt đối thủ là điều cổ động viên hài lòng. Chỉ có điều thầy trò Guillaume Greachen còn phải học hỏi sự lọc lõi, tinh quái của U19 Nhật Bản để giải quyết trận đấu. Chỉ với đội hình hai, U19 Nhật Bản vẫn thể hiện đẳng cấp của một đội bóng lớn và U19 Việt Nam cần học hỏi điều này mới mong làm được chuyện lớn ở giải châu lục.
Theo VnMedia