Trong bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, tuyển nữ Nhật Bản đang đứng thứ 3, trong khi vị trí của tuyển nữ Việt Nam là 34, tức hơn nhau tới 31 bậc. Chỉ chừng đó cũng là đủ để nói lên sự chênh lệch quá lớn ở cặp đấu bán kết sắp tới.
Tất nhiên bóng đá luôn tiềm ẩn bất ngờ, nhưng nếu ai đó vẫn còn hoài nghi vào sức mạnh thật sự của các cô gái xứ sở mặt trời mọc thì hãy cùng nhìn lại những gì bóng đá nữ Nhật Bản đã làm trong khoảng hơn một thập kỷ qua.
Ở thời điểm hiện tại, tuyển nữ Nhật Bản đang là ĐKVĐ thế giới sau khi đánh bại Mỹ trong trận chung kết World Cup 2011 được tổ chức trên đất Đức. Ở ASIAN Cup, các cô gái Nhật Bản cũng đang là quán quân với chức vô địch ở giải đấu tổ chức tại chính Việt Nam (5/2014). Tính rộng ra, tuyểnnữ Nhật Bản luôn góp mặt ở bán kết trong 13 kỳ ASIAN Cup tính từ năm 1986 (1 chức vô địch, 4 lần Á quân, 5 lần hạng Ba và 3 lần hạng Tư).
Ngay chính sân chơi ASIAD, tuyển nữ Nhật Bản cũng đang là ĐKVĐ sau khi đăng quang ở Đại hội thể thao châu Á năm 2010 được tổ chức trên đất Quảng Châu. Trong 5 lần dự ASIAD còn lại, bóng đá nữ xứ hoa Anh đào còn 3 lần giành ngôi Á quân và 2 lần hạng Ba. Và cũng chưa ai quên, họ cũng đang là nhà Á quân Olympic.
Gác lại những thành tích đáng nể trên đấu trường quốc tế, tuyển nữ Nhật Bản cũng toàn thắng trong tất cả những cuộc đấu chính thức với tuyển nữ Việt Nam. ASIAD 1998 là lần đầu tiên 2 đội gặp nhau và tuyển nữ Nhật Bản vùi dập các cô gái Việt Nam với tỷ số 8-0. Kể từ sau thất bại ấy, tuyển nữ Việt Nam còn nhận thêm những trận thua tan tác khác 1-3 (ASIAN Cup 2001), 0-5 (ASIAN Cup 2006), 0-3 (ASIAD 2002), 0-2 (Vòng loại Olympic) và mới nhất là thất bại 0-4 ở vòng bảng ASIAN Cup 2014 tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 5 vừa qua.
Ở ASIAD 2014 này, tuyển nữ Nhật Bản không mang sang Hàn Quốc đội hình mạnh nhất, khi những cựu binh Homare Sawa (chân sút xuất sắc nhất lịch sử bóng đá nữ Nhật Bản) hay Ogimi (chân sút số 2) đều vắng mặt. Tuy nhiên, thầy trò HLV Sasaki vẫn đang thể hiện phong độ hủy diệt. Ngoại trừ trận hòa Trung Quốc ngày ra quân, tuyển nữ Nhật Bản hạ Jordan tới 12-0, đánh bại Đài Loan (Trung Quốc) 3-0 và hạ Hong Kong (Trung Quốc) 9-0 ở vòng tứ kết.
Có thể nhận thấy rõ kế hoạch trẻ hóa, với những lớp cầu thủ kế cận nhau của những người làm bóng đá Nhật Bản. Chỉ có 2 cầu thủ 29 tuổi là tiền vệ nhạc trưởng Miyama và Kawasumi. Những thành viên còn lại đều có độ tuổi từ 19 đến 28, tức độ tuổi trung bình chỉ rơi vào khoảng 24-25.
Việc giảm dần sự phụ thuộc vào hai chân sút Sawa và Ogimi đã được chứng minh ở ASIAN Cup lần này. 24 bàn thắng mà tuyển nữ Nhật Bản ghi được cho tới trước vòng bán kết được trải dài ở mọi tuyến, chỉ duy nhất Sugasawa ghi 4 bàn. Sự đa dạng ở số cầu thủ dứt điểm, ở mọi kỹ năng dứt điểm sẽ là một thử thách khác cho tuyển nữ Việt Nam.
Trên thực tế, bóng đá Nhật Bản từng trải giai đoạn tồi tệ, tưởng như sụp đổ hoàn toàn vào những năm 1990. Cuộc cách mạng được bắt đầu năm 2002 với người đi tiên phong là HLV Eiji Ueda. Những thành tích mà chiến lược gia này gây dựng, kết hợp với việc tổ chức lại đội ngũ, cải thiện cơ sở vật chất, quảng bá rộng rãi bóng đá nữ trên truyền hình đã giúp bóng đá nữ Nhật Bản trở lại ngoạn mục và trở thành một đối trọng đáng nể tầm thế giới.
Theo Đại Lộ