Bóng đá Việt Nam và cơn “khủng hoảng nhân sự” VPF: Vì sao “bầu” Đức rút lui?

Thứ hai, 29/12/2014, 14:01
Kết thúc Đại hội thường niên VPF vừa diễn ra cuối tuần rồi là một cuộc “tháo chạy”. 

Nếu như ở mặt trận V.League, NHM từng chứng kiến cuộc tháo chạy của những nhà tài trợ khiến nhiều CLB lao đao tới mức bỏ giải thì ở “nghị trường” VPF - công ty được lập nên để tổ chức các giải bóng đá Việt Nam - thì lại là những cuộc “tháo chạy” khỏi các chức danh quan trọng.

Ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch CLB HAGL).

Tan tành “bộ tứ huyền ảo”

Khi VPF được thành lập cách đây 3 năm, người ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào bộ tứ ”huyền ảo” gồm ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên - Chủ tịch CLB Hà Nội), ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng - Chủ tịch CLB ĐT.LA), ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch CLB HAGL) và ông Lê Hùng Dũng - PCT VFF.

Đây là những đại gia của không chỉ làng bóng đá mà khối tài sản của họ, khả năng điều tiết doanh nghiệp của những nhân vật này khiến tất cả tin chắc vào thành công của VPF. Đó là thời điểm mà bầu Đức chấp nhận “Lần đầu tiên trong đời tôi làm phó, trước đó, tôi chưa làm phó bao giờ”.

Thậm chí sự tự tin của bầu Đức lên rất cao khi khẳng định: “Tôi đã khởi xướng gì thì không thất bại. Tôi làm phó sẽ đóng góp rất nhiều cho Thắng (Võ Quốc Thắng - Chủ tịch VPF). Thắng sẽ tự tin hơn khi có tôi, Kiên và Dũng. Đội hình này sẽ rất mạnh và gồm những người nắm trong tay tương đối lắm tiền”.

Có lẽ sẽ là “bộ tứ huyền ảo” nếu như không có một biến cố quan trọng khi VPF mới thành lập được một năm và chưa thu được thành quả gì. Đó là sự kiện bầu Kiên bị bắt vào tháng 8/2012.

Ông Kiên cũng chỉ làm Phó CT HĐQT VPF nhưng ai cũng biết rằng, bầu Kiên mới thực sự là kiến trúc sư trưởng, bộ não và là con người kết nối những nhân vật còn lại. Bầu Kiên bị bắt, VPF chính thức rơi vào tình trạng rắn mất đầu. Hàng loạt những dự án lớn như việc quy tụ 10 “đại gia ngàn tỷ” bảo trợ cho bóng đá Việt, bản quyền truyền hình… hay nói một cách ngắn gọn là những phương án kiếm tiền cho bóng của các “đại gia” bị “đóng băng”.

VPF vẫn hoạt động trong vai trò là đơn vị tổ chức các giải đấu nhưng tiếng nói của những vị trí chủ chốt gần như không có. Vai trò Chủ tịch HĐQT của bầu Thắng mờ nhạt dường như chính ông cũng dần rút khỏi môi trường bóng đá, PCT VPF Lê Hùng Dũng dành nhiều thời gian cho chiến dịch tranh cử Chủ tịch VFF (và thắng lợi), bầu Đức lo cho Học viện bóng đá và đặc biệt là đội U.19…

Cho đến Đại hội cổ đông VPF ngày 27/12 vừa rồi, bộ tứ huyền ảo của VPF chính thức tan rã: Ông Lê Hùng Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức đồng loạt rút lui khỏi VPF. Thay vào các vị trí của bầu Kiên, bầu Đức và ông Dũng, đó là các ông Nguyễn Công Khế - phụ trách mảng truyền thông, Trần Quốc Tuấn - đại diện vốn cho VFF.

Ở riêng cho nhẹ gánh

Có nhiều lý do khiến VPF hoạt động kém hiệu quả, ngoài chuyện bầu Kiên bị bắt thì hầu hết các cổ đông đều chưa thấy “lợi lộc gì” khi cùng chung ngôi nhà VPF. Những bất cập vẫn còn đó, như chuyện bản quyền truyền hình không được cải thiện, vẫn phải đóng tiền niêm liễn cả nửa tỉ mỗi năm, tiền bán quảng cáo ở các sân chẳng đủ…

Hài hước tới mức là vốn điều lệ của công ty cho tới nay vẫn hụt do có đến 3-4 CLB không chịu đóng tiền.

Khả năng kiếm tiền của VPF thật ra chỉ trông chờ vào các nhà tài trợ nên lợi nhuận quá ít so với kế hoạch ban đầu. Chẳng hạn có một vài con số đưa ra: Năm 2012 lợi nhuận chưa đến 2 tỷ, năm 2013 lợi nhuận chỉ đạt mức 3,5 tỷ tức là chỉ đạt khoảng 8-10% kế hoạch năm.

Các CLB đổ lỗi cho “đầu tàu” VPF không biết chạy tiền, VPF lại nói ý thức làm bóng đá chuyên nghiệp của các CLB quá kém, không đi theo mô hình CLB chuyên nghiệp chuẩn, nên không thể mong nguồn thu ổn định.

Trớ trêu là trong khi VPF đau đầu cả về nhân sự lẫn bài toán đường dài (dù sắp tới họ sẽ đón nhận tài trợ từ Toyota cho V.League) thì ngay sau khi tuyên bố rút khỏi VPF, bầu Đức hồ hởi thông báo ký kết hợp đồng tài trợ với NutiFood với khoản tiền lên tới 15 tỷ.

Trước mặt các đại diện những đội bóng, bầu Đức dõng dạc nói: “Trước giờ bóng đá Việt Nam chưa ai làm bóng đá có lãi, nhưng tôi là người đầu tiên làm bóng đá có lãi, bắt đầu từ năm 2015”. Cái lãi ấy không phải từ VPF mà từ cách làm của HAGL.

Tất nhiên trong câu chuyện HAGL bắt tay với NutiFood thì việc tài trợ cho bóng đá chỉ là… chuyện nhỏ. Gói tài trợ mới ký kết nằm trong kế hoạch lớn hơn khi bầu Đức đã tính chuyện “trồng bắp - nuôi bò” khi đầu tư 236.000 con bò nuôi trên diện tích 100.000ha tại Lào và Campuchia. Đối tác mà bầu Đức bắt tay cho dự án siêu khủng này là Vissan với sản phẩm thịt bò, và NutiFood với sản phẩm sữa. Dự kiến giữa năm 2015, những sản phẩm đầu tiên của mối liên minh Hoàng Anh Goup - Vissan - NutiFood sẽ được tung ra thị trường.

Với bầu Đức, thương hiệu từ bóng đá sẽ mở ra những cơ hội làm ăn, hợp tác khác để từ đó có những nguồn tiền quay lại nuôi bóng đá. Đó mới là cách chơi của ông bầu Đoàn Nguyên Đức chứ không phải là ngồi vào ghế PCT VPF và “chung mâm” với những ông bầu chỉ biết “ngửa tay”, “vác rổ” đi xin tiền nhà tài trợ, xin tiền ngân sách.

Theo Lao động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích