Phương thức tiếp cận mục tiêu
Cần phải nói rõ rằng mục tiêu hướng đến VCK World Cup 2018 và Olympic Rio 2016 chắc chắc không hề là mục tiêu dễ dàng. Dù vậy, niềm tin mà HLV Kiatisuk của Thái Lan đặt ra cho đội bóng của ông không phải là không có cơ sở. Cách thức thực hiện mục tiêu của người Thái cũng khác hẳn những người làm bóng đá Việt Nam.
Đội tuyển Thái Lan vừa vô địch AFF Cup 2014 có thể nói là đội tuyển đã đạt đến trình độ khác với trình độ của bóng đá khu vực. Ngoài ngôi vô địch AFF Cup vừa mới có được, thế hệ này của bóng đá Thái Lan cũng đã có tấm HCV SEA Games 27 năm ngoái.
Đấy còn là đội tuyển và là thế hệ đã vào đến bán kết Asiad 17 ở Incheon hồi tháng 9, chỉ chịu thua đội chủ nhà, cũng là đội sau đó đã lên ngôi vô địch giải đấu là Hàn Quốc. Những thành tích đó cho thấy đội tuyển Thái Lan trong tay HLV Kistisuk là một đội bóng đã được chuẩn bị rất kỹ, được trui rèn bản lĩnh qua nhiều giải đấu lớn, và quan trọng nhất là họ đã chứng minh được đẳng cấp của mình.
Nói chung, khi đội tuyển Thái Lan đá với các đội bóng tầm châu lục, người ta vẫn thấy họ có đường thắng. Nó khác xa với kiểu trông chờ vào may mắn như các đội bóng Việt Nam khi đá ở tầm ấy.
Bóng đá Việt Nam chỉ mới loay hoay ở các giải đấu tầm khu vực (ảnh: Gia Hưng)
Bóng đá Việt Nam cũng có mục tiêu hướng đến VCK World Cup 2018. Nhưng mục tiêu đấy khi được nghe thốt lên từ miệng những người điều hành bóng đá nội cách nay không lâu, chẳng ai tin điều đó là sự thật.
Người ta không tin ở chỗ khi phát ngôn, những người làm bóng đá nội chẳng dựa trên bất cứ cơ sở thực tiễn nào. Họ đơn thuần chỉ dựa vào một nhóm nhỏ cầu thủ mới 19 tuổi, lại chỉ được đào tạo từ một học viện duy nhất, theo một công thức duy nhất, trong khi một học viện không bao giờ là một nền bóng đá.
Bây giờ trong khi người Thái bắt đầu thực hiện những mục tiêu bên ngoài khu vực Đông Nam Á thì bóng đá Việt Nam lại loay hoay trở lại với đích đến quen thuộc là SEA Games và giải vô địch khu vực. Rồi ngay cả chuyện dự SEA Games 2015 với lực lượng nào cũng đáng để gây tranh cãi, khi một lần nữa những người làm công tác điều hành cứ nhất nhất trông vào một học viện.
Hơn thua nhau ở tầm nhìn
Trước khi hướng đến mục tiêu vào VCK World Cup với đội tuyển nam, bóng đá Thái Lan từng cho thấy họ hơn bóng đá Việt Nam ở mục tiêu vào VCK với đội tuyển nữ.
Bóng đá Việt Nam cũng từng mơ ước sẽ đưa đội nữ đến Canada vào năm sau, để dự VCK giải vô địch bóng đá nữ thế giới. Tuy nhiên, phương thức thực hiện và cách thức tiếp cận mục tiêu của chúng ta thua xa Thái Lan.
Trong khi người Thái chuẩn bị lực lượng cho mục tiêu vừa nêu từ lâu, đưa hẳn hàng loạt gương mặt chủ chốt sang Nhật học việc, nâng chất đội tuyển một cách rõ rệt, thì những người làm bóng đá Việt Nam chỉ đơn thuần nghĩ rằng đưa VCK giải châu Á (cũng là vòng loại World Cup) về sân nhà, cũng như tăng một ít chế độ cho đội tuyển nữ là sẽ có vé đến Canada.
Không hề có sự chuẩn bị về mặt lực lượng, cũng như không có sự đánh giá đúng thực lực của chúng ta và của đối thủ, đội tuyển nữ Việt Nam thua chính Thái Lan trong trận tranh vé đến VCK World Cup.
Bây giờ câu chuyện của bóng đá nam có khi tương tự. Để nói về mục tiêu dự VCK World Cup 2018 và Olympic 2016, người Thái đã chuẩn bị lực lượng cho ngày hôm nay từ ngày hôm qua, từ cái thời điểm họ thua chính Việt Nam trong trận chung kết AFF Cup 2008.
Cách thi đấu khoa học và hiện đại của đội tuyển Thái cho thấy các cầu thủ được nền tảng rất tốt cả về kỹ thuật, thể lực lẫn tư duy chơi bóng, chứng minh những lò đào tạo trẻ của bóng đá Thái làm việc rất hiệu quả, tính sàng lọc của đội tuyển Thái Lan cũng rất cao mới có được dàn cầu thủ bản lĩnh như vậy.
Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung bây giờ mới loay hoay tìm lối chơi phù hợp với thể trạng của người Việt thì e rằng đã chậm hơn đối thủ nhiều bước. Bóng đá Việt Nam bây giờ vẫn còn người làm công tác điều hành cứ lẫn lộn giữa đá đẹp với đá bóng có đẳng cấp thì lấy đâu ra những chiến lược dài hơi?!
Theo Dân trí