Phàm đã làm công việc liên quan đến trái bóng tròn hay theo nghiệp quần đùi áo số, không nói nhưng ai cũng hiểu một câu “hay không bằng may”.
Hầu hết các CLB đều có một chức danh không chính thức được người trong nghề gọi vui là “chiến sĩ tâm linh” chuyên lo việc nhang khói, lễ bái cầu may mắn. Đôi khi công việc của họ cũng vất vả không kém gì chuyện cầu thủ thi đấu ở trong sân.
Hà Nội T&T là đội bóng siêng lễ bái nhất V.League. |
Trước đây, khi CLB Hòa Phát Hà Nội còn tồn tại, ông giám đốc điều hành Vũ Hạng kiêm luôn nhiệm vụ vừa nhắc. Có bận đá trên sân Ninh Bình, không hiểu “thầy” phán thế nào, phải thắp hương và hóa vàng lúc trời tối khiến ông giám đốc điều hành lọ mọ tìm cách vào sân để thực hiện nghi lễ. Bảo vệ tưởng là kẻ gian giữ lại khiến ông Hạng phải giải thích mãi mới xong chuyện.
CLB Thanh Hóa khi mới quay trở lại đá V.League 2010 từng mang tên gọi đầy đủ là Lam Sơn Thanh Hóa nhưng sau này phải đổi tên vì theo lý giải của bầu Đệ, để hai chữ Lam Sơn là phạm húy tới cuộc khởi nghĩa của vua Lê Thái Tổ. Từ ngày đổi tên, đội bóng xứ Thanh đã chơi khởi sắc hơn hẳn bắt đầu từ mùa giải 2011 và tất nhiên không thể thiếu chuyện lãnh đạo CLB rất coi trọng việc “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
CLB Hà Nội T&T có lẽ là đội bóng coi trọng chuyện tín ngưỡng và lễ bái nhất V.League. Trước khi bước vào mùa giải mới, thủ tục không thể thiếu của đội bóng Thủ đô là phải đi lễ, thắp hương ở những nơi linh thiêng tại Hà Nội. Bước vào giải, chuyện thầy trò HLV Phan Thanh Hùng khởi hành vào giờ nào, mặc quần áo màu gì trong từng trận nhất nhất đều phải được “xem” một cách cẩn thận.
Có giai thoại ông chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội cứ trước ngày thi đấu lại khóa cửa phòng ngủ một mình để “chay tịnh cầu may”. Có bận đội đá trong Thanh Hóa, đêm hôm trước ông vẫn lặn lội lên tận Hà Giang để “xin lộc” rồi hôm sau ngược mấy trăm km để kịp có mặt tại xứ Thanh.
Người trong cuộc kể lại câu chuyện, trước trận đấu của Hà Nội T&T với N.Sài Gòn trên sân Hàng Đẫy ở vòng đấu cuối cùng có ý nghĩa quyết định đến ngôi vô địch V.League 2010, bát nhang trong sân bỗng “hóa” khi đại diện của đội bóng Thủ đô đến đặt lễ. Điều đó được hiểu như điềm lành và ngày hôm sau, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng chính thức đăng quang.
Sau này nhìn lại, ai cũng phải thừa nhận rằng Hà Nội T&T không phải là đội bóng thật sự thuyết phục nhất tại V.League 2010. Nhưng đồng hành cùng với họ luôn là những may mắn kỳ lạ trên suốt hành trình chinh phục ngôi vô địch.
Công Vinh đen đủi suốt năm 2010 được lý giải bởi việc sở hữu chiếc xe Mercedes màu đỏ không hợp tuổi. |
Trong khi năm 2010 đánh dấu mùa giải thành công của Hà Nội T&T, với cá nhân Công Vinh nó đánh dấu một năm quá xui xẻo khi anh liên tục dính vào hàng loạt vụ “phốt” như vái lạy trọng tài rồi bị kỷ luật hay chấn thương đứt dây chằng đầu gối phải sang Bồ Đào Nha chữa trị.
Nhìn nhận sự việc theo góc độ tâm linh, lãnh đạo đội bóng Thủ đô cho rằng sở dĩ Công Vinh đen đủi như vậy là do anh mua chiếc xe Mercedes SLK 200 màu đỏ (tượng trưng cho mệnh hỏa) không hợp với tuổi mình (mệnh kim). Tiền đạo xứ Nghệ sau đó đã bán chiếc xe và quả đã không còn gặp phải những chuyện xui xẻo cả trong công việc cũng như cuộc sống.
Có rất nhiều cách để các cầu thủ Việt cầu mong may mắn, bình an, phổ biến nhất là đi lễ chùa. Có người còn xăm cả hình Phật để tìm kiếm một sự che chở như tiền vệ Sỹ Cường (Hà Nội T&T). Gia đình và cá nhân tiền vệ Tuấn Anh của đội tuyển U19 Việt Nam không theo đạo nhưng anh vẫn đeo dây chuyền thánh giá và làm dấu trước khi thi đấu.
Chuyện mê tín không chỉ phổ biến trong giới lãnh đội, HLV và cầu thủ Việt, nó còn lan sang cả các nhà cầm quân nước ngoài. HLV Calisto khi còn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam có thể xem là một trường hợp điển hình của điều này.
Gia đình tiền vệ Tuấn Anh không theo đạo nhưng anh vẫn đeo thánh giá và làm dấu trước khi thi đấu để cầu may. |
Gần chục năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, HLV Calisto từng thừa nhận ông đã Việt hóa rất nhiều. Một trong những khía cạnh của điều này là ý niệm về tâm linh tương tự các học trò của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. Chiến dịch AFF Cup 2008 của đội tuyển Việt Nam đã được khởi động bằng việc HLV Calisto đi lễ đền Hùng hồi đầu năm.
Tại AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam ở tại tầng 7 của khách sạn La Thành và đã giành chức vô địch. Thế nên sau này, khi bước vào AFF Cup 2010, dù được tiêu chuẩn ở khách sạn xịn hơn, HLV Calisto vẫn nhất quyết đóng quân tại đúng tầng 7 của địa điểm cũ. Đi thi đấu ở nước ngoài, con số yêu thích của ông cũng là tầng 7.
Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha không theo đạo nhưng trước mỗi trận đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam thỉnh thoảng ông lại tới nhà thờ để cầu nguyện. Tại AFF Cup 2008, sau khi đội tuyển Việt Nam vượt qua Malaysia, HLV Calisto từng phát biểu: "Chúa sẽ đứng về phía chúng ta tại giải đấu này. Đến giày dép còn có số, muốn thay đổi cũng không được".
Năm 2010, khi dẫn dắt các học trò về Nghệ An thi đấu giao hữu, HLV Calisto cũng tranh thủ cùng đội tuyển Việt Nam tới thắp hương tại đền ông Hoàng Mười nổi tiếng linh thiêng ở xứ Nghệ để cầu mong may mắn trước khi bước vào AFF Cup.
Một người châu Âu như HLV Calisto cũng chịu ảnh hưởng bởi niềm tin duy tâm và chuyện mê tín trong bóng đá khi làm việc tại Việt Nam. |
Với bóng đá quốc tế, những giai thoại về chuyện mê tín hay niềm tin duy tâm còn phổ biến và phong phú hơn nữa. Điều đó tạo nên những gam màu sống động tô điểm thêm cho sức hấp dẫn của môn thể thao vua, bóng đá Việt Nam đương nhiên cũng không phải một ngoại lệ.
Theo Zing