Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, ông Phú cho biết: “Y học thế giới chỉ ra rằng qua mỗi năm phát triển của cơ thể thì mức độ cốt hóa là khác nhau và hoàn toàn có thể dựa vào mức độ cốt hóa để suy luận ngược lại là VĐV bao nhiêu tuổi. Việc xác định được thực hiện thông qua chụp X - quang” - ông Phú nói.
Theo ông Phú, từ những năm 1998 - 2000, Trung tâm Y học thể thao đã sử dụng phương pháp này để kiểm tra độ tuổi VĐV ở các giải thiếu niên nhi đồng.
Tuy nhiên, phương pháp nói trên chỉ cho phép xác định được một cơ thể khi mới sinh ra cho đến độ tuổi 17,6 (đối với nữ) và 18,3 đối với nam.
Công Phượng gây ấn tượng mạnh tại giải U19 Đông Nam Á |
“Sau độ tuổi trên, bộ xương đã phát triển hoàn chỉnh và sau đó không có sự phát triển nào đáng kể. Đối với những VĐV đã qua độ tuổi này, y học không thể xem xét và xác định chính xác tuổi của VĐV mà chỉ có thể biết VĐV đó đã trên ngưỡng 18,6 tuổi hay chưa.
Thế nên đối với các VĐV đã qua 19 tuổi thì không thể xác định chính xác cầu thủ đó là 19 hay 20 tuổi vì quá trình phát triển bộ xương giữa người 19 tuổi và 20 thậm chí 23 gần như không có sự khác biệt”, bác sĩ Nguyễn Văn Phú cho biết.
Theo ông Phú, ngoài chụp X-quang thì một cách khác là chụp cộng hưởng từ. Cách này thường được FIFA và AFC áp dụng vì chất lượng thông tin tốt hơn so với chụp X-quang.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa từng áp dụng phương pháp này vì rất tốn kém. Ngoài phương pháp đo tuổi xương thì theo ông Phú, còn các cách khác như đo tuổi răng, dựa vào chỉ số phát triển thể lực, nhưng không phương pháp nào chính xác tuyệt đối.
“Một VĐV nếu sinh năm 1993 thì hiện nay đã 21 tuổi, còn 1995 thì cũng đã 19. Tôi khẳng định là dù dùng phương pháp nào cũng không thể lấy đó làm cơ sở để kết luận VĐV đó bao nhiêu tuổi vì tuổi thực đã qua ngưỡng 18,6”, ông Phú nói.
Phương pháp đo tuổi xương chỉ hiệu quả trước tuổi 19. |
Ông Vũ Quang Vinh, Tổng biên tập báo Thiếu niên Tiền Phong, nguyên TBT báo Nhi đồng, từng nhiều năm giữ vị trí Trưởng BTC giải bóng đá Thiếu niên - nhi đồng toàn quốc cho biết: “Thời chúng tôi tổ chức giải, chuyện gian lận tuổi không hiếm. Nhiều địa phương làm lại toàn bộ hồ sơ cho VĐV thi đấu. Trong số này không chỉ Nghệ An mà nhiều địa phương khác cũng vi phạm. Bên cạnh việc kiểm tra hồ sơ, BTC phải thông qua biện pháp y học để xác định tuổi thực của VĐV” - ông Vinh cho biết.
|
Các biện pháp được áp dụng, theo ông Vũ Quang Vinh, bao gồm chụp phim xương bàn tay và kết hợp xem xét 12 yếu tố y học, gồm: xem tinh hoàn, lông mu, chiều cao, cân nặng… Các công việc này BTC phải nhờ chuyên gia của Viện Khoa học TDTT thực hiện.
Với việc giám định hồ sơ, BTC phải nhờ cán bộ công an của Bộ Công an về tận địa phương để điều tra chứ không để công an địa phương thực hiện nhằm đảm bảo tính khách quan, đồng thời kết hợp phỏng vấn trực tiếp VĐV.
“Có VĐV khai là bố đưa đi thi nhưng qua kiểm tra hộ khẩu thì bố của VĐV này đã qua đời. Hoặc trường hợp khác mượn tên người khác đi thi, khi BTC về địa phương kiểm tra thì em có tên trên đang… tổ chức sinh nhật”, ông Vinh nói.
Theo ông Vũ Quang Vinh, đối với tất cả các trường hợp gian lận hoặc nghi vấn gian lận, BTC đều tiến hành điều tra rất kỹ và kiên quyết xử lý. “Thể thao cần trung thực. Vì vậy đây là việc cần phải làm để đảm bảo các em có sân chơi công bằng”, ông Vinh nói.
Như vậy, đối với trường hợp của Công Phượng, dù sinh năm 1993 hay 1995 thì ngoài hồ sơ, không có khả năng xác định chính xác tuổi thực của tiền đạo này qua biện pháp y học.
Theo VTCnews