Rất cần làm rõ nghi án tuổi thực của Công Phượng để đảm bảo sự trung thực trong thể thao. Ảnh: VSI
Phải nói luôn là nghi vấn về tuổi thật của Công Phượng trên thực tế đã xuất hiện từ trước và khi đội tuyển U19 Việt Nam với thành phần đa số là các cầu thủ thuộc Học viện bóng đá HA.GL tham dự giải U19 châu Á tại Myanmar hồi tháng 10 vừa qua.
Nhiều phóng viên theo dõi mảng thể thao đã đề cập, và cả tranh cãi, xung quanh việc một số cầu thủ U19 thực tế đã quá tuổi. Trong số này có Công Phượng. Cầu thủ gốc Nghệ An bị nghi ngờ đã 21 tuổi (SN 1993) thay vì mới 19 (SN 1995) như trong hồ sơ. Câu chuyện chỉ bung ra khi tờ Thể thao 24h mới đây nêu ra vấn đề trên.
Rất dễ nhận thấy đối với câu chuyện trên, giới truyền thông cũng như người hâm mộ đã chia ra hai “chiến tuyến”. Một bên nghiêng về khả năng Công Phượng quá tuổi thật. Lý do thì rất nhiều. Không kể đến các chi tiết do 24h nêu ra, thì chuyện gian lận tuổi vốn khá phổ biến từ trước đến nay ở bóng đá Việt Nam.
Có một dạo khi LĐBĐVN (VFF) mở cuộc điều tra thì phát hiện ra hàng loạt trường hợp cầu thủ đã quá tuổi khi tham dự các giải U. Chuyện một địa phương bị kỷ luật khi tham dự giải bóng đá các lứa tuổi U quốc gia không hiếm. Nghệ An nằm trong số nhiều địa phương bị đánh giá là có tình trạng “ăn gian tuổi”.
Ở “chiến tuyến” bên kia, một số tờ báo đã trích phát biểu từ đại diện HA.GL, chính quyền địa phương nơi Công Phượng khai sinh và gia đình tiền đạo này, khẳng định Công Phượng sinh năm 1995, mới 19 tuổi. Nhiều ý kiến còn viện lẽ Công Phượng là một “ngôi sao” nên có người đố kỵ, cố tình soi mói em, thậm chí cho rằng vì Công Phượng tài năng nên việc tiền đạo này mới 19 hay đã 21 tuổi không quan trọng. Việc báo chí “soi” tuổi của Công Phượng bị cho là “thiếu lương tâm làm nghề”.
Song, cần khẳng định một điều rằng trách nhiệm của truyền thông là đưa ra sự thật, cho dù sự thực đấy xấu xí và gây thất vọng như thế nào.
Một ví dụ về cách phản ứng của truyền thông. Khi vụ việc tay đua Lance Amstrong sử dụng doping bị phát giác, báo chí Mỹ đã “đánh” tay đua này tơi bời. Không phải người Mỹ không tự hào khi có một huyền thoại ở giải đấu tầm cỡ như Tour de France. Nhưng thiên vị cho Amstrong là bất công đối với các tay đua khác. Truyền thông Mỹ chỉ đơn giản là làm đúng chức phận của mình.
Ở trường hợp của Công Phượng, nếu tiền đạo này đã 21 tuổi thì thực sự là một bất công đối với các cầu thủ U19. Trong tất cả các giải đấu thể thao, sự trung thực luôn được đề cao tới mức các VĐV tham dự, trọng tài đều phải tuyên thệ.
Về việc trích ý kiến HA.GL, gia đình và chính quyền địa phương, ai cũng nhận ra là nhằm bảo vệ tiền đạo này, thay vì xác minh sự thực đằng sau các bộ hồ sơ. Không cần nắm quá rõ bóng đá Việt Nam, người ta cũng biết chuyện “khai láo” hồ sơ để dự giải là chuyện đơn giản ở các địa phương.
Tuy nhiên, có lẽ phản ứng gây thất vọng nhất trong vấn đề này chính là LĐBĐVN. Thay vì xác minh hoặc trình bằng chứng để đưa ra một kết luận đủ thuyết phục tất cả các bên, cũng như an lòng người hâm mộ về một biểu tượng của bóng đá đẹp, VFF đã vội tuyên bố “không quan tâm” tới vụ việc, đẩy trách nhiệm sang báo chí.
Với cách phản ứng của VFF, những băn khoăn về tuổi thật của Công Phượng sẽ còn bám theo sự nghiệp của tiền đạo này mãi về sau. Liệu có phải VFF thời gian vừa qua đã mải mốt tô điểm cho U19 đến mức đánh mất sự công tâm đối với vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý?
Không ai mong muốn Công Phượng quá tuổi, bởi tiền đạo này là một phần của thứ bóng đá đẹp được ca tụng lâu nay. Nhưng một nền bóng đá chấp nhận mập mờ với nghi vấn “ăn gian”, rất khó để trông đợi đấy sẽ trở thành một nền bóng đá đẹp thực sự, như tiêu chí nhiều người hô hào, cổ vũ.
Theo Tiền Phong