Khi thành lập VPF, bầu Kiên bước đầu manh nha vấn đề bản quyền không chỉ cho V-League mà còn đón đầu cả cá cược bóng đá hợp pháp sẽ vào Việt Nam. Thế nhưng “bước chân dang dở” của ông bầu nay đã tắt sau khi ông vướn vào vòng lao lý.
Chuyện bản quyền truyền hình có thể mang lại cho CLB nguồn lợi nhuận khổng lồ nhưng đến nay thì phần thu từ bản quyền thì ít mà phần chi lại đậm hơn rất nhiều.
Ngày trước, bầu Kiên quyết liệt đòi tiền bản quyền truyền hình và bước đầu ông đã lập được nhiều nền tảng để sơ khai ra “luật thương quyền” trong bóng đá. Ông Kiên còn hướng đến những “gói truyền hình” để phân ra và đấu giá như ở giải ngoại hạng Anh vẫn làm. Điều này rất phù hợp và tạo ra tính cạnh tranh cao về chất lượng của từng CLB mang đến sự công bằng… Thế nhưng mọi sự đã không thành!
Bản quyền truyền hình với bóng đá Việt Nam đã một lần dậy sóng nhưng rồi quay về “mô hình” cũ. Ảnh: CTV
Trao đổi với chúng tôi về chuyện mùa bóng tới sẽ có “hàng hót” từ lứa đầu học viện của ông tham dự V-League liên quan đến khai thác thương quyền, bầu Đức lắc đầu: “Truyền hình của chúng ta có những cơ chế riêng thật khó. Vấn đề này chưa được đâu!”.
Thực chất thì chưa chịu làm nên… chưa được. Ngày bầu Kiên chưa dính vào vòng lao lý, ông đã tạo được những bước đi, trong đó có sự tham gia của các đài truyền hình địa phương, đài trung ương, VTC, Truyền hình An Viên… Thực tế thì “công cụ” như thế đã là quá đa dạng và cũng bắt đầu vào guồng.
Tiếc là khi bầu Kiên không tham gia nữa thì chẳng ai làm được như ông. Thế nên bóng đá Việt Nam trở lại với kiểu làm cũ: Bản quyền gọi là có, thực chất bán thì thu chẳng bao nhiêu nhưng chi ngược lại rất đậm.
Nếu như có luật thương quyền trong bóng đá được tổ chức một cách chuyên nghiệp thì những đội bóng như của bầu Đức mùa V-League 2014 hay nhiều đội bóng khác như SL Nghệ An, Thanh Hóa… sẽ có được những khoản ăn chia rất lớn từ bản quyền truyền hình.
Ở Thái Lan rất nhiều đài truyền hình tham gia vào tất cả các gói của các giải nội địa gồm Thai-League, League Cup và Cúp Quốc gia. Bản quyền truyền hình đã mang lại cho tất cả đội bóng hơn nửa giá trị kinh phí cho việc tham gia thi đấu.
Riêng những đội bóng lớn như Muangthong, Buriram, Chonburi, Bangkok Glass đã sinh lời từ bản quyền truyền hình. Khi những đội bóng này có lực lượng và thành tích tốt thì thu hút nhiều nhà tài trợ vào.
Và cũng chính thành tích tốt, thu hút người xem nhiều nên những “gói truyền hình” của những đội bóng này luôn có giá cao. Đó là một trong những điều tiên quyết nhất giúp CLB không ngừng phát triển.
Bây giờ đây, các CLB Việt Nam thiếu hụt tài chính nhưng mảng bản quyền truyền hình vẫn trắng tay.
Thật khó để bóng đá Việt Nam đúng nghĩa tiến lên chuyên nghiệp, khi mà mọi người, nhất là những người có chức trách vẫn không chịu tìm đường đi vào khai thác mảng này.
Theo Pháp luật TP.HCM