Cuộc chiến giữa Hội CĐV Than Quảng Ninh với VPF bắt đầu từ tháng 5 sau một số ý kiến cho rằng việc cổ vũ bằng dàn loa điện của Than Quảng Ninh gây ảnh hưởng tới sự tập trung của trọng tài và cầu thủ. Liên tiếp trong các ngày 6/5 và 18/5, VPF gửi 2 công văn cấm Hội CĐV Than Quảng Ninh cổ vũ bằng dàn âm thanh. Đáp lại quyết định ấy, CĐV Than Quảng Ninh tẩy chay khán đài B, bịt khẩu trang xem bóng đá tại vòng 11.
Ngày 25/5, Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng đại diện cho VPF xuống Quảng Ninh xử lý vụ việc nhưng thất bại. Hội CĐV Than Quảng Ninh dọa trả lại danh hiệu Hội CĐV xuất sắc nhất mùa 2014 và 2015. Đỉnh điểm của cuộc chiến xảy đến hôm 19/6 ở vòng 12. Ông Chóng tiếp tục thị sát Cẩm Phả. Tất cả những gì ông được nhìn thấy là một khán đài trống vắng, những cánh chong chóng đầy ẩn ý và thất bại của đội bóng quê hương Bình Dương.
Khung cảnh tiêu điều ấy nhiều khả năng sẽ trở lại một lần nữa vào thứ Bảy này trong trận quyết chiến tranh ngôi nhì bảng giữa Than Quảng Ninh và SHB Đà Nẵng tại vòng 15.
Bê bối Cẩm Phả giờ không còn là cuộc chiến riêng của CĐV Than Quảng Ninh và VPF. Bởi ảnh hưởng và tổn thất của nó đang lan tới tất cả mọi phía.
Từ khi CĐV Than Quảng Ninh công khai phản đối VPF, đã có 2 trận diễn ra trên sân Cẩm Phả tại vòng 11 và vòng 12. Số CĐV tới sân lần lượt là 7.500 và 7.000 người. Đó là thống kê tệ nhất về số lượng CĐV tới sân của Than Quảng Ninh mùa này. Con số tương tự ở vòng 1, vòng 4 là 10.000 và 11.000 người. Cùng thời điểm này tại V.League năm ngoái, 10.000 CĐV đã tới sân xem Than Quảng Ninh thi đấu tại vòng 11.
Hội CĐV Than Quảng Ninh đã hai năm liên tiếp đoạt danh hiệu Hội CĐV tốt nhất mùa. Ảnh: Thanh Hà. |
Thống kê trên vẫn chưa phản ánh hết tính nghiêm trọng của vấn đề vì hàng nghìn CĐV chỉ vào sân từ hiệp hai. Số lượng người hâm mộ thực sự tới sân thấp hơn rất nhiều con số mà VPF công bố. Sân Cẩm Phả từ chỗ là “chảo lửa” số một V.League giờ trống vắng.
Hậu quả là Than Quảng Ninh đá trên sân nhà mà như chơi ở sân trung lập, CLB không thu được tiền vé, CĐV không được cổ vũ cho đội bóng quê hương, V.League mất người xem, VPF bối rối vì bê bối... Cả nền bóng đá phải chịu tổn thất.
Bê bối Cẩm Phả là lần đầu tiên trong lịch sử V.League, một Hội CĐV chính thức đứng lên chống lại quyết định của Ban tổ chức giải. Từ một sự việc rất nhỏ là dàn loa cổ động, cả VPF và Hội CĐV Than Quảng Ninh, không ai nhường ai. Họ làm giải đấu tổn thương và khiến quyền lợi của chính mình bị ảnh hưởng. Không bên nào thực sự muốn xử lý thấu đáo vấn đề.
Công văn của VPF không có một dòng nào miêu tả cụ thể về giới hạn công suất dàn loa hay cường độ âm thanh. Họ dựa vào những bản báo cáo chuyên môn chung chung để quyết định. Than Quảng Ninh không kém cạnh. CĐV đất mỏ đeo khẩu trang, bỏ trống khán đài, làm chong chóng khiêu khích lãnh đạo VPF, dọa trả lại danh hiệu...
Nếu không được xử lý, SHB Đà Nẵng sẽ là đội kế tiếp phải chơi bóng trên sân Cẩm Phả vắng người. Ảnh: Thanh Hà |
VPF lẽ ra có thể minh bạch và rõ ràng hơn. Than Quảng Ninh lẽ ra có thể mềm mỏng và thiện chí hơn. Nhưng VPF, với tâm thế cửa trên của nhà cầm quyền, đã hành động không rõ ràng. Còn Than Quảng Ninh, với sự tự ái cục bộ kiểu địa phương, đã không chịu mở lòng.
Lời qua tiếng lại, hai bên chẳng ai chịu nhường ai. Họ cùng đẩy vấn đề lên cao hơn. Họ nhận thức được sự tổn thất của bản thân và giải đấu nhưng không chịu ngồi lại cùng giải quyết. Họ khư khư giữ lấy quan điểm và cái tôi của mình, để mặc sân bóng không có khán giả. Họ muốn một giải pháp nhưng không đủ vị tha để tìm tiếng nói chung.
Cuộc chiến giữa Hội CĐV Than Quảng Ninh và VPF sẽ không thể đi đến hồi kết nếu VPF không ban hành những văn bản luật chặt chẽ và rõ ràng hơn. Sân Cẩm Phả sẽ tiếp tục trống vắng nếu CĐV Than Quảng Ninh vẫn tẩy chay nó. Bóng đá đang kêu cứu và chúng ta cần chung tay hành động.Vì ở Cẩm Phả lúc này, bóng đá không thể nở nụ cười.
Chiều 8/7, Ban tổ chức giải bóng đá V.League 2016 thông báo các giải thưởng tháng 5 và tháng 6 năm 2016. |