“Tại sao tôi nói là có cửa thắng”? Ông Nguyễn Thành Vinh dẫn chứng: đội Futsal Việt Nam còn đánh bại Nhật để đi World Cup thì giấc mơ nào cũng có thể trở thành hiện thực.
Ông Vinh vẫn tự coi mình là lớp HLV già, lạc hậu về công nghệ. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp cận đời sống bóng đá hiện đại nhờ Internet, qua con trai ông, HLV chuyên đào tạo trẻ Nguyễn Thành Công.
HLV Nguyễn Thành Vinh hy vọng U19 Việt Nam có thể đưa trận bán kết với Nhật Bản về loạt đá luân lưu. Ảnh: Quốc Bảo. |
Khi biết đối thủ của U19 Việt Nam là các cầu thủ trẻ Nhật Bản, ông Vinh đã ngay lập tức tìm xem lại những bàn thắng của đội bóng này. Điều khiến ông thốt lên đầu tiên là: họ mạnh và chơi đa dạng quá, cứ ghi bàn như trận tứ kết vừa rồi thì thật là khó đỡ.
Từng dẫn dắt U23 Việt Nam lứa Văn Quyến, Công Vinh thi đấu với CLB Yokohama năm 2003, HLV Nguyễn Thành Vinh chỉ ra những điểm “di truyền” trong lối chơi của người Nhật.
“Người Nhật đá bóng vừa kỹ thuật vừa thực dụng, họ luôn biết cách thay đổi nhịp độ, thay đổi sơ đồ chiến thuật để phá những bức tường phòng ngự của đối phương. Từ đội tuyển cho đến CLB, từ U23 đến U19, họ đều nhất quán một phong cách chơi như thế”, ông phân tích.
Ông Vinh nhớ lại trận đấu trước thềm SEA Games 2003, khi đó Văn Quyến và Tài Em đã sớm có những cơ hội trước cầu môn Yokohama nhưng tiếc rằng đều không dứt điểm thành bàn. Đó cũng là một ý tưởng mà ông “quân sư” cho U19 Việt Nam hiện tại.
“Ai cũng biết trước kịch bản là U19 Nhật tấn công, còn chúng ta phòng thủ. Nhưng ta có thể gây bất ngờ bằng cách đá thật “sốc” vài phút đầu trận, nếu tạo ra cơ hội và ăn được bàn thì quá tuyệt, bằng không, ta rút về phòng ngự thật chặt theo đúng ý đồ”.
Theo ông Vinh, điểm mạnh nhất của U19 Việt Nam là thể lực và tinh thần. HLV Hoàng Anh Tuấn cố gắng tạo ra được một đội hình phòng ngự có chiều sâu, bọc lót kín kẽ, đeo bám dai dẳng. Chúng ta cần phát huy thật tốt sở trường ấy để hạn chế sức công phá của U19 Nhật.
“Anh Tuấn đã rất thành công khi thắng Bahrain, nhưng nếu áp dụng đúng bài cũ với Nhật thì chưa chắc đã hiệu quả. So với Bahrain, Nhật khác nhiều” – nhà cầm quân lão làng xứ Nghệ nhận xét.
Bahrain đá với Việt Nam rất bế tắc vì họ không dai sức, không khéo léo, không di chuyển linh hoạt. Nhưng Nhật thì một hậu vệ biên cũng có khả năng lấn vào trong chẳng khác gì mũi tấn công. Họ có đủ bài, phối hợp nhỏ hay, chuyền dài cũng tốt, khi cần thì sút xa.
“Theo kèm đủ, không bị lọt người là nhiệm vụ không hề dễ đối với U19 Việt Nam. Với cách lôi kéo, làm xô lệch đội hình phòng thủ như Nhật đang áp dụng, anh Tuấn cần một hàng hậu vệ vừa khoẻ vừa đông. Nếu chơi 5 hậu vệ có thòng, có dập, dù là đội hình cổ điển, tôi cho đấy cũng là một giải pháp không tồi” – ông Vinh nói.
U19 Việt Nam đang thăng hoa, điều kỳ diệu nào cũng có thể xảy ra. |
Ở nửa cuối hiệp 2 trận gặp Bahrain, U19 Việt Nam chuyển sang chơi 2 tiền đạo. Điều này khó lòng xảy ra khi đối thủ là Nhật Bản.
Khác biệt lớn nhất là đá với Bahrain, U19 Việt Nam còn kiểm soát được khu trung tuyến, cầm giữ được bóng. Nhưng với Nhật, khu vực này họ sẽ nắm quyền chủ động. Mất đi cầu nối, U19 Việt Nam sẽ chỉ còn trông vào các quả phản công chớp nhoáng nếu đối phương tấn công hỏng, mất bóng. Cơ hội như thế không nhiều, bởi lực lượng phản công của U19 Việt Nam thường rất mỏng.
Bởi vậy, cửa sáng nhất cho U19 Việt Nam là đẩy trận đấu sang loạt sút luân lưu.
“Ở trên chấm 11 m, điều gì cũng có thể xảy ra được. Đội yếu hơn thì đá luân lưu sẽ ít bị áp lực hơn. Thêm nữa, ở lứa tuổi 19, sự chênh lệch về trình độ trong một trận đấu loại trực tiếp đôi khi cũng không quá lớn”.
Với lập luận lạc quan như vậy, HLV Nguyễn Thành Vinh hy vọng thầy trò ông Hoàng Anh Tuấn với tâm lý thăng hoa sẽ còn viết tiếp những điều kỳ diệu.
Kết quả những trận đấu cấp độ trẻ giữa Nhật Bản vs Việt Nam những năm qua
16/9/2016: U16 Nhật Bản 7-0 U16 Việt Nam (U16 châu Á)
7/1/2016: U23 Nhật Bản 2-0 U23 Việt Nam (giao hữu)
11/10/2014: U19 Nhật Bản 3-1 U19 Việt Nam (U19 châu Á)
13/9/2014: U19 Nhật Bản 1-0 U19 Việt Nam (U19 Đông Nam Á)
9/9/2014: U19 Nhật Bản 3-2 U19 Việt Nam (U19 Đông Nam Á)
8/1/2014: U19 Nhật Bản 7-0 U19 Việt Nam (U19 quốc tế)
Theo Zing