U19 Việt Nam triệu tập Văn Hậu: Đừng để thói tham lam hại bóng đá Việt Nam

Thứ sáu, 19/10/2018, 10:10
U19 Việt Nam cần có Văn Hậu, nhưng lợi ích của đội tuyển quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

1. Năm 2017, giới mộ điệu nước Pháp từng đặt kỳ vọng vào khả năng vô địch U20 World Cup của đội nhà trên đất Hàn Quốc. Lý do rất đơn giản: U20 Pháp sở hữu hàng tấn công độc nhất vô nhị với sự xuất hiện của Ousmane Dembele và Kylian Mbappe. Một tài năng trẻ khi ấy nổi đình nổi đám trong màu áo Borussia Dortmund, và một thần đồng được ví như "Henry mới".

Để rồi, Dembele và Mbappe không thi đấu tại U20 World Cup. U20 Pháp bị loại ở tứ kết, song người hâm mộ không buồn lòng. Dembele và Mbappe đều có màn ra mắt trên đội tuyển Pháp và chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc. Khi đã khoác áo đội tuyển quốc gia, cả hai không cần trở về đội trẻ.

Tại sao phải trở lại đội U20 khi Mbappe đủ khả năng cống hiến cho ĐTQG?

Ở những nền bóng đá phát triển, chuyện cầu thủ đội một trở về đội trẻ nghe giống như một... hình phạt. Robin van Persie hay Radamel Falcao từng bị "đày" xuống đội trẻ Manchester United để lấy lại phong độ. Chelsea đẩy Florent Malouda xuống đội U21 vì thái độ thiếu chuyên nghiệp, đấy là trên phương diện CLB. Ở đội tuyển quốc gia, Marcus Rashford "rớt" từ đội một xuống U21 Anh để tích lũy thêm kinh nghiệm. Khi đủ trưởng thành, tài năng trẻ của Quỷ đỏ không trở về đội trẻ lần nào nữa.

2. Trụ cột đội chính trở về đội trẻ là điều tương đối lạ lẫm với bóng đá thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đó lại là chuyện rất... bình thường. Một phần ba đội hình U23 Việt Nam có chỗ đứng trên đội tuyển quốc gia từ trước. Xuân Trường, Công Phượng,... vừa trở về từ AFF Cup 2016 đã phải tham dự giải giao hữu trẻ ngay. Mới đây nhất, Văn Hậu được triệu tập trở lại U19 Việt Nam, dù cầu thủ người Thái Bình đang là cái tên không thể thay thế dưới thời HLV Park Hang Seo.

Làm chuyện ngược đời như thế, mục đích chỉ có một: gặt hái thành tích cho đội trẻ. Có thể thông cảm cho HLV Hoàng Anh Tuấn trên phương diện này. Nhiều nền bóng đá không cần thành tích giải trẻ, nhưng Việt Nam thì có. Hiệu ứng khủng khiếp từ thành công của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á, hay trước đó là tấm vé đi World Cup của U19 Việt Nam cho thấy vinh quang ở cấp độ trẻ vẫn đóng vai trò rất quan trọng.

HLV Hoàng Anh Tuấn không sai khi đặt nặng thành tích giải trẻ.

Đó vừa là phần thưởng, vừa là động lực cho bóng đá trẻ phát triển. V-League và đội tuyển quốc gia sẽ hưởng lợi nếu U19 Việt Nam tiếp tục có vé đi U20 World Cup. Kéo Văn Hậu về để tiếp tục nuôi hy vọng, do vậy không có gì sai.

Theo tính toán của ban huấn luyện, Văn Hậu chỉ được sử dụng từ sau vòng bảng (trong trường hợp U19 Việt Nam đi tiếp). Hậu vệ của CLB Hà Nội sẽ đá từ một đến ba trận ở giải U19 châu Á, hoặc có thể là... không trận nào. HLV nào cũng muốn đội bóng có được quân bài tốt nhất và tính toán kể trên có thể đảm bảo quyền lợi cho U19 Việt Nam, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho Văn Hậu khi AFF Cup đã đến gần, nhưng...

3. Lần gần nhất HLV Hoàng Anh Tuấn sử dụng Văn Hậu như phương án "phòng xa", U19 Việt Nam đã thua bẽ bàng. Ba trận không có Văn Hậu, đội toàn thắng, đè bẹp Indonesia 3-0. Có Văn Hậu, U19 Việt Nam thua Myanmar 1-2 và bị loại ở vòng bảng. Đó không chuyện ngẫu nhiên.

Văn Hậu nên được tạo cơ hội toàn tâm toàn ý cống hiến cho tuyển Việt Nam.

Bởi có hay không có Văn Hậu, U19 Việt Nam sẽ vận hành với những cách đá khác nhau. Dũng cảm đi ngược dư luận để kéo Văn Hậu trở lại đội trẻ, HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ cố gắng tận dụng tối đa ảnh hưởng của cầu thủ này. Dẫu vậy, không phải sự thay đổi nào cũng mang lại kết quả tốt, mà thất bại ở giải U19 Đông Nam Á 2017 là một minh chứng. Sự có mặt của Văn Hậu ở vị trí lạ lẫm (tuyến giữa) khiến toàn đội chệch choạc và trả giá ở trận đấu quyết định.

Không tập luyện với U19 Việt Nam trong nhiều tháng qua, lấy gì bảo đảm tiền vệ người Thái Bình sẽ chơi ăn ý với các vệ tinh xung quanh?

Ngoài ra, Văn Hậu đá U19 Việt Nam đồng nghĩa với việc có một cầu thủ mất đi cơ hội thể hiện. Đặt giả thiết U19 Việt Nam xuất sắc vượt qua bảng tử thần, chắc chắn Bảo Toàn cùng các đồng đội đủ sức đương đầu với đối thủ tiếp theo ở vòng tứ kết. Khi ấy, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn xứng đáng được ra sân chứng tỏ, thay vì phải nhường chỗ cho "đàn anh".

Nhìn trên khía cạnh này, U19 Việt Nam chưa chắc hưởng lợi. Hai năm trước, thế hệ của những Quang Hải, Minh Dĩ, Tiến Dũng đi U20 World Cup nhờ sức mạnh tập thể, chứ không phải trông cậy vào sự tiếp viện của bất cứ cá nhân nào.

U19 Việt Nam sẽ vượt qua vòng bảng?

4. Cuối cùng, HLV Park Hang Seo càng có lý do không hài lòng khi thiếu Văn Hậu. AFF Cup đã đến rất gần. Áp lực thành công sẽ khiến các tuyển thủ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nhất là khi tuyển Việt Nam đã không vô địch AFF Cup trong 10 năm qua. Cần nhớ, thành tích ở đội tuyển quốc gia vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Đó mới là thước đo "chuẩn chỉ" của bóng đá chuyên nghiệp.

Chấn thương của Văn Thanh và Xuân Mạnh khiến hành lang cánh mong manh hơn bao giờ hết. Nếu Văn Hậu thi đấu cùng U19 Việt Nam, thời gian chuẩn bị cùng toàn đội sẽ bị rút ngắn, rủi ro chấn thương cao hơn, thể lực bị bào mòn (vì di chuyển và ra sân nhiều hơn). Nếu U19 Việt Nam vào tứ kết, Văn Hậu sẽ ra sân vào ngày 28/10, bỏ ngang chuyến tập huấn ở Hàn Quốc. Đặt trường hợp U19 Việt Nam vào chung kết, hậu vệ này sẽ thi đấu vào ngày 4/11, chỉ bốn ngày trước trận khai mạc AFF Cup.

Do vậy, dẫu biết U19 Việt Nam cần tấm vé đi U20 World Cup để tiếp tục động viên tinh thần cho bóng đá trẻ, việc để ảnh hưởng đến lợi ích đội tuyển cũng là điều không nên làm. Để cầu thủ trẻ (đã khẳng định tên tuổi) tập trung cống hiến cho đội tuyển và dành thời gian, cơ hội để mài giũa những viên ngọc khác, ấy không phải cách làm đang được cả thế giới hướng tới hay sao?

Theo VTC

Các tin cũ hơn