Người hâm mộ thoải mái xem AFF Cup 2018

Thứ ba, 23/10/2018, 09:59
Đội tuyển VN dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đang "luyện công" ở Hàn Quốc để chuẩn bị chinh chiến tại AFF Cup 2018. Tại giải đấu này, người hâm mộ bóng đá Việt có thể yên tâm cổ vũ tuyển VN bởi ngoài VTV, Next Media cũng sở hữu bản quyền đa phương tiện, nên người hâm mộ sẽ theo dõi AFF Cup với nhiều hình thức đa dạng.

Người hâm mộ thoải mái xem AFF Cup 2018

Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup 2018 hay AFF Suzuki Cup 2018) sẽ diễn ra từ ngày 8.11 đến 15.12. Sau thành công liên tiếp tại Giải vô địch bóng đá U.23 châu Á 2018 và Đại hội thể thao châu Á 2018 (ASIAD 18), vị thế của bóng đá Việt Nam đã tăng lên đáng kể và ở giải đấu này người hâm mô đặt sự kỳ vọng rất lớn vào đội tuyển quốc gia. Câu chuyện mua bản quyền truyền hình trực tiếp để người yêu bóng đá Việt Nam có thể thưởng thức trọn vẹn các trận đấu một cách hợp pháp đang được dư luận quan tâm đặc biệt.

Tại Asiad 2018, do việc các đài truyền hình Việt Nam không mua bản quyền ngay từ đầu, người hâm mộ đã phải xem nhiều trận đấu trên các kênh bất hợp pháp. Câu chuyện trớ trêu đó sẽ không lặp lại tại AFF Cup 2018, khi Công ty Cổ Phần Giải Pháp Truyền Hình Thế Hệ Mới (Next Media) đã chủ động mua bản quyền từ rất sớm.

Giải đấu hấp dẫn người xem

AFF Cup 2018 có sự thay đổi lớn khi số đội tham dự được tăng từ 8 lên thành 10 đội. Theo điều lệ mới của AFF Cup 2018, mỗi đội tuyển sẽ thi đấu hai trận đấu trên sân nhà và hai trận đấu trên sân khách để xác định hai đội nhất, nhì mỗi bảng vào bán kết. Từ vòng bán kết, các đội vẫn thi đấu theo thể thức cũ là có lượt đi, lượt về. Ở giải đấu lần này, Đội tuyển Việt Nam nằm ở bảng A chung với các đội bóng có nhiều duyên nợ là Malaysia, Myanmar, Campuchia, Lào.

Tin vui cho người hâm mộ trong nước là nếu ở ASIAD 2018, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có được bản quyền sau khoảng một tuần giải khởi tranh thì ở AFF Cup 2018, các đơn vị trong nước sớm mua được bản quyền giải để phục vụ người hâm mộ. Hai đơn vị mua bản quyền tại Việt Nam là Next Media và VTV. Nếu như VTV mua bản quyền phát sóng trên các kênh miễn phí (VTV6) thì Next Media đã có được bản quyền trên một phạm vi rộng hơn.

Tuyển VN luyện công tại Hàn Quốc để chinh phục AFF Cup 2018

Gói bản quyền mà Next Media mua từ Lagardère Sports and Entertainment (LSE) - đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2018 - bao gồm: độc quyền và được phép phân phối lại cho các đơn vị thứ ba tại toàn bộ hệ thống trả tiền trên hạ tầng vệ tinh, cáp, IPTV, OTT, phát thanh, internet, mạng xã hội, mạng di động và trình chiếu công cộng. Do đó, bất kỳ đơn vị hay doanh nghiệp nào tổ chức trình chiếu giải đấu tại các địa điểm công cộng đều cần phải liên hệ với Next Media để được cấp quyền. Next Media hiện cũng là đơn vị nắm bản quyền ba giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng là đối tác của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Dailymotion - một trong những web chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới. Với việc nắm bản quyền phát sóng đa dạng trên các nền tảng xem truyền hình phi truyền thống và thói quen xem truyền hình đã thay đổi thì việc Next Media sở hữu bản quyền AFF Cup 2018 giúp người hâm mô tiếp cận giải đấu thuận tiện, nhanh chóng và gần gũi thông qua nhiều phương tiện khác nhau.

Cần chấm dứt việc vi phạm bản quyền

Bên cạnh niềm vui mua được bản quyền phát sóng AFF Cup 2018 thì nỗi lo lắng của các đơn vị sở hữu bản quyền như Next Media chính là tình trạng vi phạm bản quyền phát sóng của một số tổ chức, cá nhân trong nước. Gần đây, bản quyền phát sóng các sự kiện thể thao lớn của thế giới là chủ đề nóng được dư luận quan tâm. Do đó, đối với các nhà đài và doanh nghiệp, ngoài việc tính toán tài chính, cân nhắc mua bản quyền còn phải tìm cách hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền.

Chúng ta còn nhớ tại ASIAD 18, một số kênh phát sóng không có bản quyền, trong đó điển hình có kênh “lậu” Xôi Lạc TV tiếp sóng một số trận đấu của tuyển Việt Nam thu hút lượng lớn người xem gây ra không ít lo lắng cho đơn vị có ý định sở hữu bản quyền các giải thể thao lớn. Từ đây đặt ra việc cần phải xử lý nghiêm hành vi phát sóng vi phạm bản quyền để vừa bảo vệ đơn vị bỏ tiền mua bản quyền cũng như quyền lợi, lợi ích hợp pháp người xem.

Ông Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM, luật sư điều hành Phan Law Vietnam (đại diện pháp lý cho Next Media), khẳng định các nền tảng bản quyền mà Next Media có được ở lãnh thổ Việt Nam tại AFF Cup 2018 bao gồm: truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, phát thanh, IPTV, internet, OTP, mạng xã hội, điện thoại di động, hình thức trình chiếu công cộng…

Luật sư Tuấn cho hay hành vi vi phạm bản quyền trong nước khá phổ biến và đa dạng về hình thức bởi ở mỗi đối tượng, mỗi phạm vi sẽ có hình thức vi phạm bản quyền khác nhau. Tuy nhiên, các đơn vị sở hữu bản quyền giải đấu lớn thu hút động đảo người xem mà cụ thể ở đây là Next Media đều có phương án không để xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền, từ đó cung cấp cho người xem hình ảnh các trận đấu một cách hợp pháp.

Đối với việc xử lý hành vi vi phạm bản quyền, ông Tuấn cho hay những tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo của Luật Sở hữu trí tuệ. Bên vi phạm sẽ phải chấm dứt hành vi xâm phạm bản quyền, cụ thể ở đây là trình chiếu, phát sóng hình ảnh không có bản quyền. Sau đó, bên sở hữu bản quyền và bên vi phạm cùng nhau đàm phán để đưa ra mức xử lý lẫn đền bù thiệt hại.

“Những điều này đều được quy định rõ trong Điều 25, Điều 38 và Điều 202 đến Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ”, ông Tuấn khẳng định và cho biết thêm Next Media đang thỏa thuận để Phan Law Vietnam  đứng ra hỗ trợ xử lý vi phạm. Hiện hãng luật này đang phối hợp với các đơn vị sở hữu bản quyền xử lý những hành vi xâm phạm bản quyền phát sóng ở cúp Champions League, Europa League, giải Ngoại hạng Anh… nên có nhiều kinh nghiệm trong xử lý.

Luật sư Tuấn cho biết việc vi phạm bản quyền là nỗi lo lắng thường trực của đơn vi sở hữu bản quyền phát sóng. Tuy nhiên, điều ông mong muốn để giải quyết vi phạm bản quyền không phải là “rình bắt người ta” mà trước hết cảnh báo để không xảy ra vi phạm. Quan trọng nhất là đơn vị sở hữu bản quyền phải có nhiều giải pháp để có thể cho phép càng nhiều người càng tốt được xem các trận đấu một cách hợp pháp. Những bên nào có quyền cần hợp tác với nhau để đảm bảo đưa “sóng sạch” đến cho nhiều người, từ đó hạn chế vi phạm bản quyền.

Về phương thức giám sát việc vi phạm bản quyền, luật sư Tuấn cho hay do các trận đấu đều phát trên những nền tảng công nghệ nêu trên nên phía sở hữu bản quyền tập trung theo dõi trên những nền tảng phát sóng. Từ đó, dựa vào những vi phạm khi phát hiện, bên sở hữu bản quyền sẽ có biện pháp cắt sóng hay đề nghị chấm dứt hoạt động của trang web không tôn trọng bản quyền. “Vấn đề là phía đơn vị sở hữu bản quyền có chịu làm hay không chứ nếu quyết tâm làm thì đấy không phải là điều quá khó khăn”, luật sư Tuấn nói.

Có ý kiến cho  rằng trên cùng một quốc gia có hai đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng AFF Cup 2018 dễ dẫn tới nguy cơ tranh chấp quyền phát sóng giữa VTV và Next Media. Luật sư Tuấn khẳng định sẽ không có xung đột, tranh chấp bởi trong gói bản quyền đã ghi rõ đơn vị sở hữu có quyền được cấp phép cho bên thứ ba trình chiếu đến đâu, trên nền tảng nào nên cứ dựa vào quyền đó mà thực hiện. “Vấn đề cần phải quan tâm là làm sao để công chúng tiếp cận được sóng sạch mà không bị thiệt hại đến quyền lợi của mình.

Điều nữa là các nền tảng sử dụng bản quyền cần biết quyền của họ đến từ đâu, muốn phát sóng cần liên hệ với ai để xin phép. Việc xin cấp phép phát sóng rất dễ, miễn là các đơn vị phải tuân thủ theo giấy phép đã cấp và pháp luật Việt Nam”, luật sư Tuấn nói. Trong cuộc họp báo mới đây, đại diện của Next Media và đối tác Green Communications cho biết họ sẵn sàng cung cấp video các trận đấu cho các báo, đài nếu các đơn vị này có công văn xin phép.

Bàn thêm về vấn đề bản quyền, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết trong trường hợp bị xâm phạm bản quyền thì đơn vị sở hữu cần khuyến cáo chấm dứt. Nếu tiếp tục vi phạm, đơn vị sở hữu sẽ đề nghị cơ quan nhà nước xử phạt, thậm chí có biện pháp chế tài, can thiệp về kỹ thuật như cắt đường truyền, khóa sóng. Còn nếu nhận nhận thấy việc vi phạm này gây ra thiệt hại, đơn vị sở hữu bản quyền cần chủ động khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi cho mình.

“Bên sở hữu bản quyền cần mạnh dạn khởi kiện vì pháp luật trong và ngoài nước đều xử lý nghiêm việc vi phạm bản quyền. Nếu mình không làm nghiêm sẽ hình thành thói quen xài chùa bản quyền, từ đó  không có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính lẫn người xem. Tôi biết có công ty ở tận bên Mỹ nhưng đã kiện vi phạm bản quyền đối với doanh nghiệp ở Bình Dương và thắng kiện”, ông Hậu cho biết.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn