Trước ngày trở lại Việt Nam cùng HLV Park Hang-seo để bước vào hành trình mới trong năm 2019. Trợ lý Lee Young-jin - cánh tay phải của HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam, đã có những tâm sự với báo giới Hàn Quốc về quãng thời gian ở Việt Nam.
PV xin trích đăng một phần những chia sẻ đó, mong mang tới cho độc giả một góc nhìn mới về tham vọng của ban huấn luyện đội tuyển ở Asian Cup 2019, những ký ức về trận gặp Nhật Bản và suy nghĩ của người Hàn Quốc về bóng đá Việt Nam.
Trợ lý Lee Young-jin (trái) và HLV Park Hang-seo tại Asian Cup 2019. |
Cầu thủ Việt Nam và ban huấn luyện có biết sự quan tâm từ Hàn Quốc?
Có, tôi biết. Khi chúng tôi tới Hàn Quốc để tập huấn hồi tháng 10 năm ngoái, rất nhiều người đã dành sự quan tâm tới chúng tôi. Tôi đã được động viên và yêu quý. Tôi đã hỏi các cầu thủ về mối kình địch với Thái Lan (trước khi Việt Nam ra sân gặp Nhật Bản).
Về mối kình địch giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, các cầu thủ Việt Nam cũng hiểu rằng đôi bên có những lý do lịch sử cho điều đó. Tôi không nói chuyện này với tư cách cá nhân. Nhưng các cầu thủ Việt Nam đều hiểu tại sao người Hàn Quốc ghét bại trận trước đội Nhật Bản.
HLV Park Hang-seo từng nói ông muốn thắng Nhật Bản. Trận cầu rất căng thẳng nhưng kết quả cuối cùng vẫn là nỗi thất vọng?
Thực ra, chúng tôi muốn thắng trong bất kỳ trận đấu này. Nhất là trước Nhật Bản, khi tôi mang dòng máu Hàn Quốc, tôi có những lý do cá nhân để khao khát đánh bại tuyển Nhật Bản. Nhưng tôi nghĩ những điều riêng tư ấy không nên làm ảnh hưởng tới đội tuyển Việt Nam. Kể từ khi tôi không còn thi đấu cho đội tuyển Hàn Quốc, tôi đã cố gắng điều chỉnh những cảm xúc cá nhân.
Tôi bảo HLV trưởng rằng đừng nghĩ nhiều về điều đó. Đây vẫn là trận đấu giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chúng tôi bảo nhau không nên đánh mất sự lạnh lùng bởi chúng tôi đang làm việc cho tuyển Việt Nam. Tôi xin lỗi vì kết quả nhưng tôi nghĩ đó không phải là một trận cầu tệ (của tuyển Việt Nam).
Quang Hải (áo đỏ) và đồng đội dù thua nhưng đã chơi một trận để đời trước cường quốc bóng đá Nhật Bản. |
Tôi đã rất thất vọng vì trận thua ấy. Khi trận đấu kết thúc, tôi đã nghĩ tới việc phải tấn công quyết liệt hơn, sẽ thế nào nhỉ nếu chúng tôi tấn công dữ dội hơn ngay từ đầu? Tôi đã nghĩ về ý tưởng đó. Chúng tôi hoàn toàn có thể ghi bàn nếu chúng tôi làm thế. Trước trận đấu, ban huấn luyện đã gặp chút vấn đề trong việc tìm phương án chiến thắng và triển khai nó. Dù vậy, chúng tôi đã vào trận, đã làm mọi thứ có thể theo cách tốt nhất.
Tôi đã rất tự tin khi kết thúc hiệp một với tỷ số 0-0. Chúng tôi đã thực hiện những sự thay đổi trong hiệp hai. Chúng tôi không có thêm thời gian bởi những cầu thủ trẻ đã thiếu kinh nghiệm trong tình huống nhận phạt đền. Trước thời điểm ấy, tuyển Việt Nam đã có những phút ép sân đối thủ, tôi đã thực sự tin rằng chúng tôi có thể ghi bàn. Tôi đã động viên họ, tôi đã nghĩ tuyển Việt Nam không hề yếu đuối.
Tôi bảo các cầu thủ rằng nếu họ chuẩn bị thật tốt, họ có thể chứng minh rằng mình đủ khả năng chơi sòng phẳng với một thế lực của châu Á, họ có thể giành được kết quả họ muốn.
Năm qua, bóng đá Việt Nam thất bại ở ASIAD, dừng bước tại tốp 8 Asian Cup. Theo ông, đâu là điều tuyển Việt Nam còn thiếu?
Nói theo ngôn ngữ bóng đá, các cầu thủ đã thiếu đi một chút sức mạnh. Tôi nghĩ mỗi người họ cần tăng thêm từ 2 tới 3kg cân nặng. Nếu được như thế, họ sẽ còn xuất sắc hơn hiện tại. Tôi đã nói với họ về điều đó trước đây. Thất bại trước Nhật Bản chính là cơ hội để họ hiểu được những gì tôi đã trình bày. Asian Cup là một đấu trường lớn để các cầu thủ tiến bộ hơn nữa.
Đội tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn vươn tới đẳng cấp hàng đầu châu lục. |
Như Thái Lan, bóng đá Việt Nam có thể mơ xa ở vòng loại cuối World Cup
Vậy còn mục tiêu Olympic 2020 và Qatar 2022?
Tôi cảm thấy một cách gián tiếp rằng bóng đá Việt Nam kỳ vọng rất nhiều (ở hai mục tiêu ấy). Khi HLV Park phỏng vấn tôi (ngày mới nhận công việc trợ lý), tôi đã nghe nhiều phóng viên hỏi ông ấy về mục tiêu ở World Cup tiếp theo. Ông ấy bảo họ rằng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho bóng đá Việt Nam. Mục tiêu ấy chắc chắn không dễ dàng. Nhưng đó không thể là nỗ lực một phía từ ban huấn luyện. Sẽ tốt hơn nếu trình độ của cả đội tuyển và nền bóng đá cùng tiến bộ.
Vòng loại thứ nhất rồi vòng loại thứ hai, lịch thi đấu ấy thực sự là gánh nặng. Khi bạn có được lịch thi đấu, bạn phải bắt đầu đánh giá lại mọi thứ, phải lên danh sách cầu thủ, phải tìm ra nhân tố mới, phải chuẩn bị, chuẩn bị liên tục cho họ theo nhiều cách khác nhau. Cá nhân tôi nghĩ rằng tuyển Việt Nam có thể làm được.
Thái Lan đã vào tới vòng loại cuối World Cup 2018 tại Nga. Tại sao Việt Nam không thể nhắm tới mục tiêu cao tại vòng loại cuối World Cup? Nếu World Cup mở rộng lên 48 đội, chúng ta liệu có sẵn sàng cho cơ hội mới? Tôi luôn đau đáu suy nghĩ về chuyện này.
Sau những tiến bộ gần đây, liệu bóng đá Đông Nam Á có thể vươn tới đẳng cấp Hàn Quốc?
Thành thật mà nói, tôi nghi ngờ điều này. Bóng đá Đông Nam Á đang nhận được nhiều lời khen ngợi và thực sự đã tiến bộ hơn trước. Nhưng những nền bóng đá ở đây sẽ tiến xa tới đâu sau 10 năm nữa? Đông Nam Á sẽ tiến bộ tới đâu? Các khu vực khác của châu Á sẽ tiến xa tới đâu?
Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng về 10 năm tới từ lúc này? Tôi nghĩ bóng đá Đông Nam Á vẫn còn nhiều thách thức. Họ có khả năng tiến tới đẳng cấp của Hàn Quốc. Nhưng nếu họ không chuẩn bị thật tốt, đó sẽ là nhiệm vụ khó khăn.
Khi HLV trưởng và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ngồi lại với nhau, đôi bên đều thống nhất rằng nếu Việt Nam không chuẩn bị hệ thống đào tạo trẻ cho 10 tới 20 năm kế tiếp, sẽ rất khó để họ góp mặt ở World Cup - giải đấu mà họ luôn mơ về. Tôi muốn nhấn mạnh tới sự chuẩn bị (của cả nền bóng đá - PV).
Trợ lý Lee và HLV Park là những người cộng sự thân thiết, bộ não phía sau vinh quang của bóng đá Việt Nam. |
Cá nhân ông học được gì sau 1 năm ở Việt Nam?
Tôi đã có kinh nghiệm trong việc lên lịnh trình cho các hoạt động của một đội tuyển quốc gia. Rất khó để chuẩn bị cho một đội tuyển. Ví dụ, nếu bạn có 3 tuần, bạn phải lên kế hoạch tập luyện, bạn phải phân chia đâu là thời gian cho việc tập thể lực, thời gian cho tập chiến thuật, thời gian chuẩn bị cho các trận đấu. Ngày nay, việc phát triển các kỹ năng của tập thể không thể không gắn liền với việc phát triển từ những cá nhân.
Mỗi cầu thủ đều sở hữu những kỹ năng mà họ có thể cải thiện ngay trong từng buổi tập. Thời gian, các bài tập nên được đặt ra để nâng cao hiệu quả tập luyện của từng cá nhân, ý tôi là phải nhấn mạnh vào từng cá nhân.
Ông nghĩ thế nào về làn sóng HLV Hàn Quốc ở châu Á?
Tôi nghĩ sự chân thành của người Hàn Quốc sẽ có tác dụng ở mọi quốc gia. Chúng tôi luôn nói rằng sự chân thành và chăm chỉ của mình có thể đem tới các kết quả tốt. Đôi khi, các kỹ năng lại tỏ ra chưa đủ hữu ích. Khi ấy, mọi người có thể nhận ra sự chân thành và chăm chỉ của chúng tôi qua từng hành động. Hãy bắt đầu với việc có một cái nhìn tốt từ các cầu thủ, thế rồi chúng ta sẽ tìm được sự thấu hiểu giữa HLV Hàn Quốc và người bản địa.
Câu hỏi cuối, ông muốn nói gì với những người Hàn Quốc đã cổ vũ tuyển Việt Nam thời gian qua?
Tôi đã lao động cật lực bên cạnh HLV trưởng và giành được những kết quả tốt suốt năm qua. Sự cổ vũ của CĐV Hàn Quốc là nguồn động lực to lớn với chúng tôi. Khi tôi và tuyển Việt Nam tập huấn tại Hàn Quốc trước AFF Cup, rất nhiều CĐV đã tới và ủng hộ đội.
Tôi sẽ lao động chăm chỉ vì bóng đá Việt Nam bởi hợp đồng của chúng tôi vẫn còn thời gian (bật cười). Chừng nào còn CĐV Hàn Quốc ủng hộ chúng tôi từ quê nhà, chúng tôi sẽ nỗ lực, nỗ lực hết mình.
Theo Zing