Thấp thỏm tăng giá cuối năm

Thứ năm, 12/12/2013, 11:02
Sức mua chậm, nhưng đón sóng cuối năm, các mặt hàng tiêu dùng đang dần nhích giá. Thậm chí một số loại đồ uống như bia, nước ngọt, thực phẩm … đã có dấu hiệu bị làm giá.
Đã có biến động giá
Sau nghi án gas bị làm giá vào ngày đầu tháng 10, tăng 80.000 đồng bình 12 kg, nay giá mặt hàng bia cũng đang tăng nóng. Nhà phân phối Sơn Hoằng (quận Long Biên, Hà Nội) báo giá bia đến các đại lý tăng 5%  cách đây 1 tuần. Tuy nhiên giá bán lẻ bia tới tay người tiêu dùng đã tăng vọt, mỗi thùng tăng 20.000 đồng.
Tại địa bàn Hà Nội, mặt hàng bia không khan hiếm, nhưng mức giá bán chênh lệch nhau khá lớn.  Tại đại lý lớn trên phố Tây Sơn, bia Heiniken lon ngắn giá 380.000 đồng/thùng; bia Tiger 290.000 đồng/thùng, bia Heiniken lon dài giá 570.000 đồng/thùng.  Phần lớn các nhà phân phối lẻ đều khẳng định, năm nào đến tháng 11 âm lịch giá bia cũng tăng.
Các mặt hàng Tết đã rục rịch tăng giá. Ảnh: Hoàng Long
Ngoài bia, hiện nay các mặt hàng thực phẩm cũng được đã có biến động. Bà Nguyễn Thị Hiền- Phó Giám đốc công ty TNHH Minh Hiền, 1 doanh nghiệp cung cấp thực phẩm lớn trên địa bàn Hà Nội cho hay: Thời điểm này giá thịt lợn, thịt bò tăng nhẹ. Nhưng chuyển dịch giá khá thấp nên người tiêu dùng vẫn chấp nhận được.
Ở đầu nhập hàng vào, giá thịt lợn đã tăng 3.500/kg lợn hơi. Tương ứng giá bán lẻ thịt tại các chợ đã tăng thêm từ 5.000- 10.000 đồng/kg trong hơn 1 tuần qua.
Với mặt hàng rau xanh, việc tăng giá khá mạnh một số loại rau như: Su hào, cải bắp, súp lơ… cũng được khẳng định là theo quy luật hàng năm. Ông Nguyễn Tuấn Khanh- Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đặng Xá cho hay: "Giá rau tại đầu ruộng đã tăng thêm khoảng 1,5 lần so với trước đó. Cụ thể, tại ruộng, su hào đã tăng từ 3.000 đồng/củ lên 5.000 đồng/củ; cải bắp cũng lên mức 5.000-6.000 đồng/kg.
Mặt hàng nữa nằm trong xu thế tăng giá là đồ khô. Măng lưỡi lợn có giá 230.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; măng vầu búp có giá 220.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; măng mầm loại ngon có giá 250.000 đồng/kg, tăng so với trước chỉ có 220.000 đồng/kg.
Một số loại nấm cũng "đội giá” như nấm hương rừng có giá 330.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; nấm trắng tăng 30.000 đồng/kg và được bán với giá 380.000 đồng/kg; thậm chí nấm loại ngon còn có giá 450.000 đồng/kg.
Đến hẹn lại... tăng
Ngày 5-12, Thủ thướng Chính phủ đã chỉ đạo  Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để chủ động có biện pháp điều hòa cung cầu. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng bất chấp sự phối hợp liên ngành, nhiều mặt hàng vẫn bị "đầu cơ làm giá, tăng giá bất chấp sức mua chậm”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, riêng về giá cả các mặt hàng Tết năm nay, hệ thống các siêu thị Hà Nội mới chỉ đảm nhận được 20% doanh số; trong đó hàng tết chiếm từ 5-10%, số còn lại sẽ do thị trường tự do quyết định chất lượng và giá cả. Vì vậy cứ đến hẹn giá lại nhích, quy luật tăng giá khó tránh khỏi.
Theo quy luật cung - cầu, khi lượng cầu giảm giá khó tăng, nhưng liên tục trong thời gian 1 tuần trở lại đây, nhiều mặt hàng đã "hóng” thời điểm cuối năm để tăng giá. Và điều đáng nói là giá cả các mặt hàng vẫn đang nằm trong tay các nhà đầu cơ.
Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa  cho biết, lượng hàng hóa của các nhà sản xuất cung ứng ra thị trường cơ bản từ hàng nông sản đến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo…phục vụ đủ nhu cầu của người dân nhưng luôn bị tung tin "khan hàng”.
Câu chuyện này tồn tại từ bao lâu nay mà chúng ta chưa khắc phục được, người mua hàng vì vậy phải chịu giá cao gấp nhiều lần. Ngoài ra mặt hàng nào cũng  có 3 – 4 tầng nấc trung gian, 1 tầng nấc lại 1 lần đội giá. Vì thế giá bán lẻ đến người tiêu dùng không thể không bị đội lên được.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều hòa cung cầu trong phạm vi vùng, miền và trên cả nước.
Giám sát chặt chẽ việc cung ứng hàng hóa và bán giá bình ổn cho người dân; tổ chức tốt hệ thống phân phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai với giá cả hợp lý và chất lượng tốt…
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết….

Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn