Ngồi trước đống dưa quăn queo, xanh sọc trắng, trái to bằng nắm tay, trái dài như dưa chuột... vợ chồng anh Sơn khóc ròng bởi tiền vay ngân hàng chưa biết lấy gì trả, rồi tiền lo cho con học hành sẽ ra sao.
Dưa lạ nên không ai mua
Sau nhiều tháng thay nhau chăm bón cho hơn 2,1ha dưa gang, vợ chồng anh Sơn mong dưa mau lớn để bán, kiếm tiền lo cái tết tươm tất cho con cái. Thế nhưng tới ngày thu hoạch dưa, đem bán cho thương lái thì không nơi nào chịu mua vì hình dạng trái dưa rất lạ.
“Đem đến vựa nào người ta cũng nói chưa nhìn thấy loại dưa này bao giờ. Cả trăm triệu đồng vợ chồng tui đầu tư cho vụ dưa năm nay có nguy cơ mất trắng” - anh Sơn mếu máo.
Vợ chồng anh Võ Văn Sơn ngồi thất thần trước ruộng dưa “lạ” của mình - Ảnh: Trường Giang |
Không xác định được loại dưa gì Khi chúng tôi đem những trái dưa “lạ” tại vườn của anh Sơn đến, thạc sĩ Trần Thị Oanh Yến, trưởng bộ môn chọn tạo giống Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết chưa hề thấy giống dưa gang nào có hình dạng như thế này. “Có thể đây là một giống dưa nào đó được nhập về từ nước ngoài nhưng cũng chưa nhận ra là giống dưa gì” - bà Yến nói. |
Theo lời anh Sơn, sau thời gian trồng lúa thấy không có ăn nên vợ chồng anh đã vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư trồng dưa gang để bán trái non cho các cơ sở làm dưa muối. Do số tiền đầu tư lớn, anh Sơn cẩn thận đến đại lý mua hạt giống dưa gang OP TN 355 của Công ty TNHH TM Trang Nông về trồng cho chắc ăn.
Thời gian đầu cây dưa phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi dưa sắp đến ngày thu hoạch, vợ chồng anh bắt đầu lo lắng vì thấy hình dạng trái dưa rất lạ. Dưa có vỏ màu sọc đen, có trái đen bóng, trái thì xanh đậm sọc trắng, có trái không dài như dưa gang mà giống trái bơ, trái thì như dưa chuột... Trái dưa to cỡ nắm tay thì bắt đầu già, không lớn nữa. Khi cắt dưa ra thấy phần hạt nhiều hơn phần thịt dưa.
Sau khi thu hoạch lứa dưa đầu tiên được 1,8 tấn, vợ chồng anh Sơn đem bán cho thương lái trên địa bàn đều bị từ chối thẳng thừng vì... chưa thấy trái dưa này bao giờ.
Anh Sơn chạy khắp nơi tìm các thương lái khác, thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng thương lái nào đến ruộng dưa của anh, cầm trái dưa lên xem cũng từ chối vì không dám mua dưa lạ về làm dưa muối. “Dưa bị thương lái chê không mua, vợ chồng tui có nguy cơ mất trắng, chưa kể công cán chăm sóc, tiền vay đầu tư cho ruộng dưa chưa biết lấy gì để trả đây” - anh Sơn lo lắng.
Dưa không nảy mầm mới bồi thường?
Bức xúc với chuyện dưa thu hoạch không bán được, anh Sơn đã gọi điện cho cửa hàng bán giống dưa để hỏi cho ra lẽ, nhưng chủ cửa hàng cho biết đã bán giống có tên tuổi và địa chỉ rõ ràng, đồng thời từ chối trách nhiệm. “Tui gọi điện cho Công ty Trang Nông thì người bắt máy cũng trả lời không chịu trách nhiệm” - anh Sơn bức xúc.
Theo lời anh Sơn, khi mua túi hạt giống của Công ty Trang Nông, bên ngoài bao bì không in hình dạng trái dưa sau khi thu hoạch nên anh cũng không để ý tới. “Nếu thấy hình dạng trái dưa như vậy trên bao bì, có cho tui cũng không dám đem về trồng chứ đừng nói mua về trồng” - anh Sơn nói.
Bà Huỳnh Thị Nga, chủ cửa hàng hạt giống Cô Nga, xác nhận đã bán cho anh Sơn 46 bịch hạt giống dưa gang OP TN 355 của Công ty Trang Nông. “Đa số người dân tại đây trồng dưa gang để bán trái non làm dưa muối. Khi anh Sơn đến hỏi mua hạt giống dưa gang về trồng để bán trái non làm dưa muối nên tôi mới bán loại hạt giống này, chứ tui cũng không biết hình dạng màu sắc trái dưa sau khi thu hoạch như thế nào” - bà Nga nói.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện dưa “lạ” này, ông Nguyễn Phương Tuấn, trưởng phòng kinh doanh Công ty Trang Nông, cho biết công ty đã cử người xuống kiểm tra ruộng dưa của ông Sơn để có hướng xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu hạt dưa không nảy mầm hay không đúng giống thì công ty mới có trách nhiệm hỗ trợ. Còn đối với giống dưa gang này vẫn ra trái bình thường, công ty cũng đã bán rất nhiều năm nay ở nhiều địa phương nhưng chưa nghe người dân phản ảnh.
“Nếu dưa của gia đình ông Sơn không tiêu thụ được, công ty chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ bằng cách cho nhân viên đi tìm một số đầu ra ở những nơi khác để giúp gia đình ông Sơn bán được số dưa trên” - ông Tuấn nói. Ngoài ra, nhân viên Công ty Trang Nông cũng đã lấy mẫu dưa trên ruộng của ông Sơn để phân tích xem đây là giống dưa gì.
Nếu sai, công ty giống phải bồi thường cho nông dân Trao đổi với chúng tôi về chuyện dưa “lạ” này, ông Phạm Văn Thanh, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, cho biết trước tiên vợ chồng anh Sơn phải khiếu nại công ty bán loại hạt giống này. Nếu công ty không giải quyết thì làm đơn gửi các ngành chức năng, trong đó có Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè. Khi nhận được đơn, chúng tôi sẽ mời chủ cửa hàng bán hạt giống và đại diện Công ty Trang Nông cùng với hộ dân trên đến giải quyết. “Trong quá trình kiểm tra để giải quyết, nếu do lỗi kỹ thuật của người dân thì người dân phải chịu. Còn nếu Công ty Trang Nông đưa giống cho người dân sai thì công ty phải có trách nhiệm hỗ trợ, đền bù cho người dân” - ông Thanh nói. |
Theo Tuổi Trẻ