Thực hiện thông báo số 386/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, DN chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu như gạo nếp, các loại gạo cao cấp, thịt gà, lợn… phục vụ nhân dân.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Đào Quốc Luân cho biết, về gạo từ nay đến cuối năm không có biến động lớn do sản lượng lúa cả năm ước đạt 43,7 triệu tấn, tăng 1,4 triệu tấn so với năm 2011. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 27,5 triệu tấn, đồng thời các DN còn tồn kho 1,44 triệu tấn gạo.
Các chuyên gia nhận định, giá nông sản, thực phẩm sẽ tăng 5-10% so với các ngày thường nhưng không có đột biến.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, mặc dù năm nay giá thịt liên tục giảm nhưng từ cuối tháng 11 giá lợn bắt đầu tăng trở lại, miền Nam có giá khoảng 41.000-43.000 đồng/kg, miền Bắc có giá khoảng 43.000-45.000 đồng/kg. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 3.179,5 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Đàn gia cầm ước đạt 330 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 744,7 nghìn tấn, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết bao gồm thịt gà các loại 470 tấn, trứng gà 450 nghìn quả; thịt lợn 630 tấn, thịt bò 280 tấn, sữa tươi 2.700 tấn… Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như thủy sản, rau xanh... đều có sản lượng tăng.
Tại thị trường Hà Nội, đến thời điểm này toàn thành phố có 1,3 triệu con lợn, 23,2 triệu con gia cầm, gần 170.000 trâu bò với sản lượng thịt ước đạt 375.000 tấn/tháng.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, sản lượng thực phẩm của Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, còn lại phải từ các địa phương khác.
Ước tính, trong dịp Tết, lượng thịt sản xuất tại Hà Nội đáp ứng được 57%, cá 54%, trứng 60% nhưng không lo thiếu. Sở NN&PTNT đang hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh sản xuất, mặt khác các DN cũng đang dự trữ một lượng hàng lớn để phục vụ người dân như mọi năm.
Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 2 tháng, các chuyên gia nhận định, giá nông sản, thực phẩm sẽ tăng 5-10% so với các ngày thường nhưng không có đột biến. Vấn đề cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giết mổ và nhập lậu gia súc, gia cầm, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa để hạn chế thừa, thiếu cục bộ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, tất cả các mặt hàng đều đủ, không ảnh hưởng đến nguồn cung nhưng phải bảo đảm dự trữ và phòng ngừa việc tăng giá đột biến trong dịp Tết.
Dù vậy, các đơn vị ngành nông nghiệp phải tăng cường kiểm tra việc sản xuất tại các địa phương để thường xuyên cập nhật thông tin cung cầu dịp Tết, nếu xảy ra bất thường phải báo cáo với Bộ và Chính phủ để có giải pháp kịp thời.