Theo thống kê của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ gas ở Việt Nam những năm qua tăng khá nhanh. Năm 1991 cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 50.000 tấn, năm 2000 400.000 tấn và năm 2010 lên tới 1,2 triệu tấn. Theo đà phát triển này, dự báo năm 2015 thị trường trong nước sẽ sử dụng khoảng 1,5 triệu tấn và đạt 2 triệu tấn vào năm 2020.
Hồi đầu năm, khi dự báo về tình hình tiêu thụ gas năm 2012, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng gas của Việt Nam sẽ tăng dao động trong khoảng 6-7% so với năm 2011. Với dự báo đó, thị trường gas Việt Nam hứa hẹn là một mảnh đất màu mỡ để các DN khai thác.
Trên thực tế, từ lâu các DN nước ngoài cũng đã nhận thấy tiềm năng và tham gia thị trường này rất sớm.
Tuy nhiên, năm 2012 các DN gas phải đối mặt với vô vàn khó khăn không lường trước được. Cụ thể theo Hiệp hội Gas Việt Nam, do kinh tế khó khăn, mức độ tăng trưởng thị trường gas năm 2012 chỉ đạt 5-6% so với mức tăng 10-11% của các năm trước.
Hơn nữa, tình trạng sang chiết gas lậu quy mô lớn đang ngày càng gia tăng, các đối tượng sang chiết lậu còn nhái tem chống hàng giả của các hãng gas có uy tín khiến các DN vừa không bán được hàng, vừa mất uy tín.
Điều đáng lo ngại, hiện thị trường có đến 30% số bình gas đang lưu hành là bình gas giả, gas nhái các thương hiệu lớn.
Hiện thị trường có đến 30% số bình gas đang lưu hành là bình gas giả, gas nhái các thương hiệu lớn. Ảnh Internet.
Trước vấn nạn này, Shell Gas - một thương hiệu lớn đến từ Hà Lan - đã quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên các công ty kinh doanh gas đến từ nước ngoài rời khỏi Việt Nam vì không chọi lại gas lậu.
Trước đó, Mobil Unique Gas đến từ Hoa Kỳ và BP của Anh sau một thời gian kinh doanh cũng đã rút lui vì thị trường gas Việt Nam thiếu minh bạch, nhiều tai tiếng, hàng lậu, hàng giả tràn lan không kiểm soát được.
Trước vấn nạn gas lậu, gas giả, suốt thời gian qua các công ty kinh doanh gas phải mất rất nhiều chi phí để nâng cấp dịch vụ nhằm thu hút người tiêu dùng sử dụng gas từ các đại lý, cửa hàng của công ty, nhưng tất cả vẫn như “dã tràng xe cát”.
Để hỗ trợ DN, Hiệp hội Gas Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với lực lượng công an và thường xuyên cung cấp thông tin những trạm sang chiết gas có dấu hiệu vi phạm, nhưng tình trạng sang chiết gas lậu vẫn không có dấu hiệu giảm do các địa phương không phối hợp, thậm chí còn “bảo trợ” cho các cơ sở kinh doanh trái phép.
Phía cơ quan chức năng cũng chỉ mới kiểm tra, kiểm soát sơ sài, chưa có biện pháp xử lý quyết liệt, triệt để. Do vậy, DN kinh doanh gas đang phải tự mình ngụp lặn với muôn vàn khó khăn trong phân phối, bảo vệ thương hiệu và bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn gas giả, gas lậu.