Nếu như trước đây, thân và lá khoai mì được xem là thứ bỏ đi thì hiện nay, người dân ở xã Đông Phước A (H.Châu Thành, Hậu Giang) đã tận dụng bán cho thương lái làm thức ăn gia súc và xuất khẩu sang thị trường châu Phi.
Ông Nguyễn Mộng Hùng (ấp Phước Long, chuyên canh khoai mì từ 5 năm nay) cho biết khi nông dân không còn mặn mà với cam sành, quít, cũng là lúc cây khoai mì được quan tâm. Ban đầu cũng chỉ vài hộ trồng xen canh cho vui, chỉ đến khi thương lái về thu mua ngày càng nhiều, người dân xung quanh bắt đầu đổ xô trồng khoai mì để bán lá.
Theo ông Hùng, khoai mì dễ trồng, ít sâu bệnh, chỉ gần 2 tháng sau khi xuống giống là cho thu hoạch lá thường xuyên.
Hiện nay, giá lá khoai mì 1.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi công cho lợi nhuận trên 500.000 đồng.
Khoai mì cho lá xuất khẩu ở H.Châu Thành
Được biết đến thời điểm này diện tích trồng khoai mì ở xã Đông Phước A đã lên hơn 20 ha, trong đó 70% là trồng xen canh. Vào mùa nắng, lá khoai mì hút hàng, nhưng vào mùa mưa thì lại “dội chợ”.
Trên địa bàn xã, việc thu mua lá khoai mì chỉ thông qua một thương lái, nên giá cả thường không ổn định. Ông Nguyễn Mộng Hùng lo lắng: “Mấy năm nay, gia đình làm mô hình này rất hiệu quả, tôi cũng muốn mở rộng thêm diện tích, nhưng ngại giá cả thất thường”.
Là người trồng khoai mì thâm niên, ông Trần Văn Muôn, ngụ ấp Phước Long, cho biết: “Từ khi trồng khoai mì xen vào gần 1 ha đất vườn cây, thu nhập của gia đình đã nâng lên đáng kể. Mới đây đã thu hoạch hơn 1 tấn lá, giá bán 1.200 đồng/kg, thu về hơn 1 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, tui thu lãi gần 10 triệu đồng từ việc trồng xen canh”.
Nhiều hộ dân ở H.Châu Thành đang tính đến chuyện trồng khoai mì với diện tích lớn, thậm chí là nghĩ đến chuyện phá những cây trồng hiện tại. Điều này khiến chính quyền địa phương lo lắng.
Ông Nguyễn Thanh Việt, Phó chủ tịch UBND xã Đông Phước A, cho biết địa phương đã khuyến cáo bà con không nên tăng diện tích đất trồng khoai mì quá nhanh, vì khi sản lượng quá nhiều, không tiêu thụ kịp sẽ rơi vào cảnh rớt giá, dội hàng...