Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/11/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Tuy nhiên, điều này không gây ra quá nhiều lo lắng cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo giải thích của Bộ, một nguyên nhân quan trọng khiến chỉ số này tăng cao là sự tăng trưởng đột biến tại các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động cao cấp (smart phone), vì đây là “những sản phẩm đang ăn khách”.
Hiện tại, đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất điện thoại, đặc biệt là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, chuẩn bị nguồn hàng lớn cho “mùa làm ăn” dịp Tết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu loại trừ sự tăng cao đột biến về tồn kho của sản phẩm điện thoại thì chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ ở dưới mức 20% (chỉ số hàng tồn kho cùng thời điểm năm 2011 là 21,5%).
Một sản phẩm điện thoại của Samsung Việt Nam. Một nguyên nhân khiến chỉ số tồn kho ngành chế biến và chế tạo tăng cao là sự tăng trưởng đột biến trong các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động cao cấp.
Tuy nhiên, đã xuất hiện một số ngành có chỉ số tồn kho cao hoặc rất cao so với cùng thời điểm năm trước, cá biệt là ngành sản xuất thiết bị truyền thông, khi tăng tới… 425,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 96,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 95%; sản xuất bia tăng 57,6%; may trang phục tăng 48,5%; sản xuất thuốc lá tăng 45%; sản xuất pin, ắc quy tăng 39,6%...
Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm, như ngành sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) giảm 2,2%; sản xuất giày, dép giảm 3,8%; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 7%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 27,1%; sản xuất đường giảm 48,2%...
Ngoài ra, cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 11/2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8% so với tháng 10/2012 và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,1%.
Trong đó, một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp có tăng trưởng so với cùng kỳ như dầu mỏ thô khai thác đạt 15,3 triệu tấn, tăng 11%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 8,5 tỷ m3, tăng 9,1%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 577,6 nghìn tấn, tăng 10,2%...
Một số sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ như than đá đạt 37,9 triệu tấn, giảm 9,2%; sơn hóa học đạt 295,8 nghìn tấn, giảm 2,4%; xi măng đạt 51,3 triệu tấn, giảm 5,4%; thép tròn các loại đạt 3 triệu tấn, giảm 7,3%; thép thanh, thép góc đạt 1,5 triệu tấn, giảm 3%; lốp ôtô, máy kéo đạt 1,4 triệu cái, giảm 13,2%...