Khi năm Giáp Ngọ đang cận kề, làng Phúc Am trở lại với không khí lao động khẩn trương để đáp ứng những đơn đặt hàng lớn cho năm mới. Làng Phúc Am (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) vẫn nổi tiếng với nghề làm vàng mã suốt một thập kỷ qua. Vàng mã có nhiều loại, nhưng ở Phúc Am người làm nghề thích chuyên về ngựa giấy (hay gọi là ông mã) nhất.
Hai thợ nam tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Quang đang làm công đoạn dán giấy và trang trí một ông mã. Họ cho biết thu nhập những tháng cao điểm nhất từ 3-4 triệu đồng. |
Khi thời khắc của năm ngựa (Giáp Ngọ) đang cận kề, làng Phúc Am trở nên nhộn nhịp hơn với không khí lao động khẩn trương để đáp ứng những đơn đặt hàng lớn cho năm mới. Nhiều người nói đùa rằng, có thể nhân năm ngựa, người ta thích đốt ông mã hơn chăng?
Những bộ cốt ngựa để khắp đường làng Phúc Am. Cốt có nghĩa là khung hay xương một con ngựa, để sau đó người ta dán giấy và trang trí lên đó trong công đoạn hoàn thiện. |
Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Giang, hiện Phúc Am có khoảng 250 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. 80% số người trong độ tuổi lao động tham gia các công đoạn làm ngựa giấy. Làng có hơn 20 cơ sở lớn sản xuất và buôn bán ngựa giấy đi khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung... Theo tính toán khá cụ thể, làng Phúc Am sản xuất hàng trăm con ngựa giấy mỗi ngày.
Những ông mã (ngựa giấy) đẹp đẽ, diêm dúa có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng như thế này chỉ chờ khách đến mang đi đốt. |
Ngựa giấy là một món hàng mã đòi hỏi sự kỳ công, tốn thời gian và mỗi nhà, mỗi người lao động thường chuyên trách một công đoạn. Chính vì thế, ở đây đã có ông mã giá bán tới 2 triệu đồng. Còn những ngựa giấy kích thước nhỏ, trung bình cũng 400.000-800.000 đồng. Các công đoạn làm ngựa giấy ở Phúc Am đều rất công phu, tỉ mỉ... nhưng cuối cùng cũng đốt thành tro bụi.
Bà Nguyễn Thị Bằng đan cốt phần hai chân sau và mông con ngựa. Bà cho biết dù hai vợ chồng làm cả ngày thì thu nhập cũng không quá 100.000 đồng, sau khi trừ tiền mua nguyên liệu. |
Ông Lê Văn Tuân là một người chuyên dọi cốt ngựa ở Phúc Am. Sau khi đan cốt xong, ngựa thường xiêu vẹo, lúc đó ông Tuân sẽ uốn nắn, ghim các đoạn chưa chuẩn để cốt ngựa vững chắc. Mỗi ngày ông Tuân có thể dọi hàng chục cốt ngựa. |
Theo Tuổi trẻ