Lâu nay, các bà mẹ Việt rất chuộng quần áo, bỉm, sữa, thực phẩm chức năng... sản xuất tại Nhật Bản. Vì thế, các shop bán hàng xách tay từ Nhật về Việt Nam ngày càng mở rộng về quy mô và số lượng. Thường thì, mọi người hay tìm đến thiên đường hàng xách tay - phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội), hoặc những cửa hàng chuyên hàng xách tay nằm trong các ngõ nhỏ trên phố. Dễ hơn, chỉ cần một cú nhấp chuột là tên, địa chỉ các shop kinh doanh hàng Nhật xách tay có đầy trên mạng.
Mở một shop như vậy rất đơn giản. Chỉ cần một người ở Việt Nam chuyên nhận đặt hàng và giao dịch với khách, một người bên Nhật phụ trách mua hàng và một tiếp viên hàng không chịu trách nhiệm vận chuyển hàng từ Nhật về Việt Nam.
Hàng hóa được chào bán và cập nhật thường xuyên trên Facebook. Một số sản phẩm rất được ưa chuộng ở Việt Nam như dầu gội đầu Tsubaki, mỹ phẩm Shiseido, sữa, bỉm trẻ em, tảo xoắn... thường được các shop nhập về trước và luôn có sẵn, còn hàng hóa là đồ điện tử, quần áo... sẽ có mặt tại Việt Nam sau 1-2 tuần đặt hàng.
Sau việc báo chí Nhật Bản đưa tin một nữ tiếp viên của Vietnam Airlines bị tình nghi mua lại mỹ phẩm từ một nhóm trộm cắp tại Nhật, các shop chuyên hàng xách tay từ Nhật lại gặp phải không ít khó khăn do việc thắt chặt quản lý hàng hóa từ Nhật về Việt Nam.
Mấy ngày nay, một số shop đã phải ra thông báo: Hàng đã đặt có thể không về đúng hạn và tạm thời ngừng nhận đặt hàng để chờ qua giai đoạn này. "Đây là sự cố không lường trước được và là tình hình chung các shop nhận order (đặt) hàng Nhật gặp phải, vì thế việc ship (chuyển) hàng về sẽ chậm trễ hơn dự kiến, đồng thời shop cũng tạm dừng nhận đặt hàng. Rất mong mọi người thông cảm vì sự cố ngoài ý muốn này. Bên mình sẽ liên lạc cụ thể lần lượt với từng khách có hàng bị kẹt" - một shop kinh doanh trên mạng vừa loan tin.
Chủ một shop chuyên hàng Nhật xách tay cho biết: "Mấy hôm nay điện thoại của mình không lúc nào ngừng hoạt động do khách liên tục gọi đến hỏi về tình hình hàng đã đặt. Theo thường lệ, hàng về hôm thứ 2 vừa rồi. Nhưng do sự cố tiếp viên bị nghi tiêu thụ hàng ăn cắp nên đến hôm nay vẫn chưa thấy hàng đâu. Đợt này có gần trăm đơn hàng, mình phải giải thích cùng một nội dung tới tất cả khách và mong họ thông cảm. Với khách quen còn đỡ, chứ khách lần đầu thì rất ngại vì tiền đặt cọc đã cầm của họ mà hàng thì không biết khi nào mới về đến nơi. Nhiều khách còn tưởng shop mình lừa đảo nữa".
Theo báo chí Nhật Bản, tháng 12/2013, một nhóm 4 thanh niên Việt Nam khoảng 20 tuổi đã bị phát hiện ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo. Cảnh sát Nhật phát hiện ra rằng phần lớn hàng hóa ăn cắp của nhóm này được chuyển đến nhà của một phụ nữ Việt khoảng 30 tuổi. Hàng ăn cắp gồm những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như mỹ phẩm Shiseido, quần áo hiệu Uniqlo. Hàng được chuyển qua đường bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita - nơi các thành viên đoàn bay ở. Sau đó, người chuyển hàng nhận tiền qua chuyển khoản ngân hàng.
Ngày 27/2/2014, một tờ báo Nhật đưa tin, một thành viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines bị tình nghi mua lại mỹ phẩm từ một nhóm trộm cắp tại Nhật Bản và có thể đang tìm cách buôn lậu ra khỏi nước Nhật.
Tham gia các chuyến bay đường dài, phi công và tiếp viên được mang theo 1 vali gửi và 1 vali kéo không quy định cân nặng. Nếu như các tiếp viên hàng không quốc tế thường rất nhàn nhã khi kéo vali cá nhân của mình thì hành khách Việt Nam đã quá quen thuộc với cảnh tiếp viên Vietnam Airlines kệ nệ khéo những vali to đùng, thậm chí là ngang ngửa trọng lượng cơ thể.
Hiện mỗi ngày Vietnam Airlines có hơn 10 chuyến bay khứ hồi từ Hà Nội và TP.HCM đi/đến các sân bay ở 4 thành phố lớn của Nhật Bản. Trên mỗi chuyến bay thường có 4 tiếp viên hàng không chưa kể các thành viên khác của phi hành đoàn. Làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy mỗi ngày có cả tấn hàng được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam theo con đường này.
Được biết, mức thu nhập trung bình của tiếp viên hàng không hạng thường là khoảng 20 triệu đồng/tháng (năm 2013). Tuy nhiên, thu nhập cũng có thể cao hơn phụ thuộc vào thời gian đi bay và hưởng trợ cấp giờ bay. Ngoài ra, việc lưu lại để bay khứ hồi sẽ được thêm phụ cấp chi phí khách sạn, ăn uống, đi lại nên các tiếp viên có thể thêm tiền tiết kiệm từ những khoản này.
Mặc dù vậy, một nguồn thu nhập đáng kể của tiếp viên lại đến từ việc vận chuyển hàng hóa về nước trong đó có cả hàng được mua tại các cửa hàng, siêu thị và một lượng không nhỏ hàng không rõ nguồn gốc.
Theo VEF