Bỏ lúa trồng Actiso
Có mặt tại Sa Pa vài năm gần đây nhưng Actiso đang được nhiều hộ dân trồng thay thế cho cây lúa và các loại rau màu. Bởi, đây là loại thảo dược mang lại giá trị kinh tế cao, ít phải đầu tư chăm bón và có đầu ra ổn định, lại rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Sa Pa.
Ông Đinh Văn Mỵ, trú tại thị trấn Sa Pa, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thảo dược Sa Pa là một trong những người đầu tiên trồng Actiso tại Sa Pa, hiện ông Mỵ đang có diện tích Actiso lớn nhất với hơn 3ha.
Ban đầu, ông Mỵ trồng Actiso thí điểm trên các khoảnh ruộng của gia đình. Khi thấy loại cây này mang lại hiệu quả cao, ông đã thuê thêm đất, mở rộng diện tích trồng.
"Mỗi ha một năm trung bình cho thu nhập từ 80 - 90 triệu. Đây là nguồn thu rất lớn nếu so sánh với việc trồng lúa hay trồng rau màu" - ông Mỵ nói. "Tôi cùng một người bạn quyết định thuê 3ha đất ruộng của bà con thuộc xã Tả Phìn để trồng Actiso. Tiền thuê đất, chúng tôi trả thóc cho người có ruộng bằng đúng sản lượng mà họ thu được mỗi mùa vụ. Họ còn có thêm thu nhập từ việc trồng, chăm bón và thu hoạch Actiso cho chúng tôi".
Năm 2012, với diện tích gần hơn 1ha Actiso, gia đình ông Mỵ thu được hơn 100 triệu đồng. "Mỗi năm, chúng tôi thu hoạch được 6 - 7 lần tỉa lá, hoa, quả Actiso. Phần thân, rễ... của Actiso cũng bán được giá cao. Như thế, cây Actiso không bỏ đi đâu tí nào cả...".
Tại xã Sa Pả (huyện Sa Pa), rất nhiều hộ dân người H'Mông cũng đang chuyển đổi từ trồng lúa, rau màu sang trồng Actiso. Ngoài Tả Phìn, Actiso được trồng với diện tích lớn ở các xã Tả Van, Sa Pả, Lao Chải, Hầu Thào và thị trấn Sa Pa.
Tổng diện tích trồng Actiso ở Sa Pa hiện là 50ha và sẽ tiếp tục được mở rộng lên trong năm 2014.
Chủ tịch xã Sa Pả, ông Giàng A Sàng cho biết: Diện tích đất nông nghiệp của Tả Phìn có 300ha, chủ yếu là trồng lúa. Với năng suất ở mức trung bình, một năm, một ha trồng lúa cho thu nhập 25 triệu đồng/vụ. Từ khi chuyển sang trồng cây Actiso, đời sống đồng bào đã được cải thiện rất nhiều. Cây Actiso không mất nhiều thời gian, công sức chăm bón... Khi cây đã trưởng thành và cho thu hoạch không phải chăm bón vất vả như lúa.
"Bà con phấn khởi lắm, một ha trồng Actiso mang hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, lại được hỗ trợ phân bón, được bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Xã Sa Pả dự kiến sang năm 2014 sẽ mở rộng diện tích trồng cây Actiso ở Sa Pả. Coi đó là cây xóa nghèo", ông Sành cho biết.
Xu hướng kinh tế xanh
Đơn vị đưa cây Actiso về Sapa, hỗ trợ người dân mở rộng, phát triển cây dược liệu này là Cổ phần Traphaco. Để người dân yên tâm sản xuất, DN đang đứng ra thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ cây Actiso sau thu hoạch. Ngoài ra, DN còn hỗ trợ cho người trồng kỹ thuật, phân bón, giống cây trồng cho người sản xuất.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco, cho biết: Actiso là 1 trong 4 loại dược liệu quý mà công ty đang tập trung phát triển theo tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc).
Từ nay đến năm 2020, Traphaco sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển thêm 6 loại dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO nữa và theo đó, sẽ cần hàng nghìn ha dược liệu, trong đó riêng Actiso tại Sapa cũng cần ít nhất 120ha. Tuy nhiên, việc mở rộng ồ ạt theo như mong muốn của bà con nông dân gần như là không thể.
"Ngoài lý do hoạt động trồng và thu hái đều phải theo tiêu chuẩn quốc tế thì trong quan hệ hợp tác 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông), những ràng buộc và yêu cầu thực hiện cũng rất khắt khe. Đáng chú ý là khi hợp đồng với bà con, DN luôn phải cam kết và đảm bảo đầu ra, mà điều này còn phụ thuộc vào thị trường chứ không chỉ theo kế hoạch vạch sẵn", ông Văn cho biết.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân, DN luôn phải thu mua với mức giá cao hơn rất nhiều so với thị trường.
"Giá hoa Actiso khô ở Đà Lạt chỉ vào khoảng 80.000 đồng/kg thì hiện công ty đang thu mua của bà con nông dân Sa Pa với giá 130.000 - 150.000 đồng/kg. Những ràng buộc theo đó cũng đảm bảo rằng mỗi kg Actiso được bà con thu hoạch đạt tiêu chuẩn chắc chắn sẽ được bán và chỉ có thể bán cho Traphaco. Thực tế, dược liệu không giống như các loại rau quả, hoa màu khác là hễ đâu có giá hơn là có thể "phá" hợp đồng để bán ra bên ngoài", ông Văn chia sẻ.
Theo ông Văn, với vị thế là doanh nghiệp chiếm thị phần số 1 về dược phẩm từ dược liệu tại Việt Nam, kế hoạch phát triển các vùng trồng dược liệu là hướng đi lâu dài, vững chắc theo định hướng kinh tế xanh, trong đó, Actiso là một trong những thảo dược quan trọng trong chiến lược chung của công ty.
Theo VEF