TTXVN đưa tin, tại cuộc đấu giá trái cây mùa thu hoạch vừa rồi, một cặp xoài ở miền nam Nhật Bản nằm trong số 231 cặp trái cây bán tại một số chợ bán buôn ở tỉnh Miyazaki, phía nam Kyushu đã được mua với giá gần 3.000 USD.
Xoài, dưa Nhật Bản giá 15.000 USD!
Hai quả xoài này sẽ được chuyển bằng máy bay tới một cửa hàng ở gần thành phố Fukuoka. Tại đây chúng sẽ được gắn bảng giá và được mang ra bán.
“Năm nay nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm nên việc canh tác gặp khó khăn, nhưng chúng tôi rất vui vì xoài được giá cao”, ông Yasukazu Matsuda, một thành viên của Hiệp hội những người trồng cây ăn quả địa phương trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo.
Theo Liên đoàn kinh tế nông nghiệp tỉnh Miyazaki, cặp xoài này đã đạt danh hiệu “Taiyo no Tamago” (Những quả trứng của Mặt trời). Đây là một danh hiệu có tiêu chí xét duyệt rất khắt khe, trong đó tất cả các loại trái cây đều phải nặng ít nhất 12 ounce (khoảng 340g) và có độ ngọt cao.
Những loại trái cây được yêu thích và dĩ nhiên cũng rất đắt đỏ ở Nhật Bản bao gồm nho hồng ngọc từ tỉnh Ishikawa, có quả to tròn. Những chùm nho này thường được bán với giá khoảng vài nghìn bảng
Cặp xoài ở miền nam Nhật Bản đã được mua với giá kỷ lục 300.000 yen (62 triệu đồng, gần 3000 USD) |
Dưa Nhật cũng được bán với giá rất cao ở các cuộc đấu giá. Một cặp dưa đã được mua với giá kỷ lục 1,6 triệu yen (hơn 15.000 USD) tại một cuộc đấu giá ở thành phố miền bắc Sapporo, Hokkaido.
Trước đó, tại lễ hội xì gà được tổ chức tại Havana (Cuba) 6 hộp xì gà thượng hạng cũng đã được bán với giá 1,1 triệu USD.
Thuốc lá là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Cuba. Theo thống kê mới nhất, trong năm 2013, doanh thu bán xì gà của nước này đã tăng 8%, đạt 447 triệu USD với thị trường nhập khẩu mạnh nhất là Trung Quốc.
Trong khi đó các mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, mới đây là dưa hấu lại chỉ được bán với mức giá rất thấp và bị chi phối, phụ thuộc vào những biến động của thị trường thế giới.
Cụ thể là giá gạo, thời điểm tháng 6/2013, trang Oryza- trang tin giá gạo toàn cầu cho biết, giá gạo Việt Nam giảm khoảng 1-4%, khiến giá gạo 5% tấm cuối tháng 6 khoảng 370 USD/tấn và đưa Việt Nam thành quốc gia có giá gạo rẻ nhất.
Khi giá gạo xuống mức thấp, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thường xin hỗ trợ vốn để mua tạm trữ lúa gạo của nông dân. Tuy nhiên, chính sách tạm trữ gạo mới chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà nông dân trồng lúa vẫn ca điệp khúc "được mùa mất giá".
Ghi nhận giá lúa gạo trong 2 tháng đầu quý 1/2014 đã liên tục tăng mạnh tuy nhiên bước sang tháng 3, giá lúa gạo lại dịu dần và rớt xuống mức đáy khoảng 4.250-4.350 đồng/kg vào cuối tháng 3 của quý đầu năm 2014 (lúa IR 50404 tươi).
Hoặc như sản phẩm cà phê, cuối tháng 11/2013 vừa qua, giá bán cà phê nhân cũng từng ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại, giá cà phê ở Tây Nguyên chỉ giao động ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg. giảm từ 10.000 đồng trở lên/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Dưa hấu Việt giá 1.000-1.500 đồng/kg
Đặc biệt, thời gian vừa qua nông dân các tỉnh miền nam, miền trung đã khốn đốn vì giá dưa hấu giảm mạnh xuống mức 1.000-1.500 đồng/kg, xuất khẩu sang Trung Quốc bị dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), dưa hấu thậm chí phải đổ bỏ cho trâu bò ăn.
Chị Phạm Thị Thanh Thúy (Tiền Giang), thương lái thu mua dưa cho biết, giá dưa tại ruộng từ 4.000 đến 5.000 đồng/kg thì người trồng dưa hấu mới có lãi còn giá như hiện nay thì nông dân trồng dưa lỗ vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.
Dưa hấu bị hỏng vỡ nát, vứt la liệt dọc đường tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) |
"Giá giá dưa hấu như hiện nay cả chục cân dưa cũng chưa đổi được nửa bát phở còn bán 1 cân dưa chỉ đủ mua 1 ly trà đá thôi”, chị Thúy so sánh.
Tờ VnExpress cũng đưa tin, dưa hấu bán không được, bà con nông dân ở các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà (Quảng Ngãi) đành bỏ cho trâu, bò ăn. Ông Phan Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà xót xa, chưa bao giờ người dân địa phương trồng dưa hấu bội thu như năm nay thế nhưng thu hoạch về chất đầy sân nhà mà không thể bán được.
Một phần lý giải tình trạng trên là do công nghệ bảo quản sau thu hoạch các loại nông sản trên gần như không có.
Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân đã từng trả lời trên chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" vào hồi tháng 6/2013, tức là cách đây gần 1 năm rằng, Bộ Khoa học công nghệ đang nghiên cứu và đưa vào Việt Nam công nghệ bảo quản tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel để đảm bảo cho nông dân có được sản phẩm có giá trị tối đa.
Trả lời câu hỏi, khi nào thì những nghiên cứu này có những kết quả đầu tiên để có thể mang vào áp dụng cho nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Quân khi ấy đã trả lời rằng: Riêng bảo quản rau quả hiện chúng ta đang hợp tác với đối tác của Nhật Bản và họ đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản cho Việt Nam. Đây là công nghệ rất hiện đại, với tổng vốn đầu tư lên tới 1 triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng quả dưa hấu của Hải Dương không chỉ bảo quản được vài tháng, thậm chí có thể bảo quản tới vài năm.
Vậy nhưng gần một năm sau, dưa hấu tại các tỉnh miền nam bán với giá 1.000-2.000 đồng, thậm chí phải vứt bỏ cho trâu bò ăn, trâu bò ăn nhiều đến mức bị mắc bệnh tiêu chảy, công nghệ chế biến sau thu hoạch cho dưa hấu vẫn chưa thấy đâu.
Không những thế, người dân và doanh nghiệp sau khi sản xuất, thu mua còn phải tự loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, chính vì vậy luôn rơi vào tình trạng bị động, hợp đồng bấp bênh, giá lúc lên cao, lúc xuống thấp.
Theo Đất Việt