Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu Bộ Công thương cũng yêu cầu phải công khai, minh bạch tuy nhiên Nghị định sau 3 năm triển khai đã có 25/35 điều cần sửa đổi nghĩa là nó có quá nhiều bất cập. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nghị định 84 sửa đổi vẫn để quỹ bình ổn giá xăng dầu thì vẫn sẽ không công khai, minh bạch được.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương dẫn khẳng định Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian vừa qua được sử dụng hiệu quả và đúng luật, giữ Quỹ bình ổn trong Nghị định sửa đổi và quy định sử dụng như thế nào, mức độ ra sao, được phép sử dụng trong trường hợp nào phải được công khai, báo cáo.
Quỹ bình ổn sử dụng hiệu quả và đúng luật!
Cụ thể, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Làm Nghị định vốn dĩ đã là rất khó, làm Nghị định liên quan đến xăng dầu còn khó hơn nhiều! Đừng thấy 25/35 điều thay đổi như vậy là thay đổi khủng khiếp. Nguyên tắc thay đổi điều kiện kinh doanh đầu mối như vậy là thay đổi quyền và nghĩa vụ của kinh doanh đầu mối nghĩa là thay đổi trách nhiệm của Bộ ngành, chỉ thay đổi một điều sẽ kéo theo nhiều điều sau đó.
"Tôi cũng khẳng định để thực hiện chuyển đổi từ bao cấp bù lỗ sang kinh doanh thị trường có những bước tiến. Để làm tốt hơn phải có Nghị định mới tốt hơn, trình tự đã làm và đến nay đã đang lấy ý kiến của thành viên Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã có ý kiến", ông Võ Văn Quyền nói.
Chưa bằng lòng với câu trả lời của Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, PV tiếp tục nhắc lại câu hỏi về quỹ bình ổn xăng dầu tồn tại trong Nghị định 84 sửa đổi thì giá xăng dầu vẫn không công khai minh bạch được, Vụ trưởng Võ Văn Quyền nói: "Xin hỏi, bạn có cảm thấy quỹ bình ổn xăng dầu là không minh bạch không? Câu chuyện ở đây là quỹ bình ổn xăng dầu theo quy định luật pháp. Những mặt hàng bình ổn giá công khai minh bạch thì Chỉ thị 11 đã thể hiện việc sau này.
Nghị định 84 sửa đổi vẫn duy trì quỹ bình ổn giá kèm theo quy định sử dụng trong trường hợp nào, mức độ ra sao. |
Nghị định thay thế Nghị định 84 cũng sẽ công khai giá thế giới, công khai giá cơ sở, công khai quỹ bình ổn ra sao, công khai việc sử dụng như thế nào. Hiện Nghị định 84 có nói nhưng không sâu, các quyết định không thể hiện nhất quán lần này Nghị định mới và Chỉ thị 11 vẫn sử dụng quỹ bình ổn nhưng sử dụng như thế nào, mức độ ra sao, được phép sử dụng trong trường hợp nào phải được công khai, báo cáo. Kiểm toán nhà nước vẫn khẳng định quỹ bình ổn hoạt động đúng luật và rất tốt, làm giá cả không bị sốc khi thị trường lên xuống"
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết thêm, trong quyết tâm của Bộ Công thương phải công khai hóa và minh bạch hóa giá xăng dầu.
Trước câu hỏi của PV, Thứ trưởng nói: "Chúng tôi khẳng định bản thân đây cũng là thiếu sót của Bộ Công thương về mặt tuyên truyền, ngay phóng viên cũng không nắm được hoàn toàn, phóng viên vẫn nghĩ mình đúng! Chính vì vậy, Chỉ thị 11 quan trọng nhắm tới thị trường, công khai minh bạch và thông tin phải đưa đến đúng, đủ, chính xác, kịp thời".
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thông tin, ngay sáng ngày 5/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã rà soát về Nghị định 84. "Hi vọng sớm có Nghị định 84 và liệu Nghị định 84 có đảm bảo đáp ứng mong mỏi của người dân hay không phải có thực tế. Bản thân tôi không khẳng định 100%, rõ ràng tất cả chính sách phải có 2 mặt", Thứ trưởng nói.
Dân tiếp tục mất tiền nuôi quỹ bình ổn?
Ngày 22/4 vừa qua, giá xăng dầu đã tăng nhẹ từ 130 - 210 đồng/lít. Các mức tăng giá này chính là mức lỗ giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu trước đó.
Lỗ dẫn tới phải tăng giá, song các doanh nghiệp vẫn phải trích lập Quỹ bình ổn giá với mức đồng loạt 300 đồng/lít,kg cho cả 4 mặt hàng đồng nghĩa với việc, người dân vừa phải trả thêm một khoản cho lần tăng giá vừa qua, vừa phải trả trước một khoản dự phòng cho tương lai.
Người dân tiếp tục phải trả tiền nuôi quỹ bình ổn mà không biết quỹ được hoạt động cụ thể như thế nào. |
Trong khi đó, nếu không phải chi tiền thêm 300 đồng/lít cho quỹ thì sau khi trừ đi phần lỗ của doanh nghiệp, giá xăng dầu đến tay người dân sẽ rẻ hơn 86 đồng/lít xăng, rẻ hơn 130 đồng/lít dầu diesel và dầu hỏa cũng sẽ rẻ hơn tới 170 đồng/lít so với mức giá trước khi tăng.
Đặc biệt, việc tăng giá lại được thực hiện ít ngày sau khi Bộ Tài chính đưa ra công bố, đến hết quý I, số dư quỹ có hơn 842 tỷ đồng, là số tiền lớn nhất kể từ tháng 6/2013.
Cụ thể, vào ngày 8/4, Bộ Tài chính cho biết số dư quỹ bình ổn có hơn 842 tỷ đồng trong đó, tổng số tiền trích quỹ đạt tới hơn 1.043 tỷ đồng và số tiền đã xả ra để bù lỗ chỉ có hơn 370 tỷ đồng. Đây thực chất là số tiền của người dân đóng góp, nhưng lại được để trong tài khoản của doanh nghiệp và do Bộ này quyết định việc sử dụng trong khi nếu gửi tiết kiệm với lãi suất không kỳ hạn thì số tiền lời mỗi ngày mỗi tháng không phải là nhỏ.
Đồng thời, theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ở thời điểm này, sau khi tính thuế, phí, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... giá cơ sở của 1 lít xăng là 24.740 đồng/lít, so với mức giá bán ra trên thị trường (chiếu theo bảng giá của Petrolimex) là 24.690 đồng/lít thì doanh nghiệp lỗ 50 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo quy định, doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 200 đồng/lít nên tính ra, doanh nghiệp xăng dầu đã có lãi 150 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Còn các mặt hàng dầu đang có lãi từ 90 đồng - 121 đồng/lít (kg).
Điệp khúc kêu lỗ để tăng giá vẫn tiếp diễn trong điều hành giá xăng dầu, việc điều chỉnh trích quỹ rồi ngưng sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu không theo một quy luật nào có thể sẽ vẫn tiếp diễn.
Theo Đất Việt