Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA cho biết, giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đang tăng. Giá lúa tươi nông dân bán tại ruộng trên 5.000 đồng/kg, lúa khô cũng hơn 6.000 đồng/kg.
Trong khi, giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh, lên hàng chục USD/tấn. Theo VFA, các hợp đồng đã ký đến ngày 19/6 đạt gần 4,7 triệu tấn gạo. Lượng gạo đã giao từ đầu năm tới cuối tháng 6 đạt trên 2,8 triệu tấn; gạo tồn kho trong doanh nghiệp khoảng 1,1 triệu tấn.
Cũng theo ông Linh, những thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đang có tín hiệu tốt. “Malaysia ngoài hợp đồng đã ký lấy 200 nghìn tấn, từ nay đến cuối năm khả năng họ có nhu cầu nhập tiếp.
Tương tự, Indonesia cũng đang cân đối, muốn nhập gạo nước ta; còn Philippines ngoài hợp đồng 800 nghìn tấn đã ký, khả năng sẽ lấy thêm. Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan cũng đang lên”- ông Linh nói.
Về thị trường Trung Quốc, ông Linh cho hay, hiện nước này vẫn nhập bình thường. Tuy nhiên, trường hợp xấu, gạo Việt Nam cũng có ảnh hưởng nhất định, chứ không phụ thuộc hoàn toàn. “Thực tế, Trung Quốc cũng có nhu cầu, nếu không mua trực tiếp từ doanh nghiệp Việt Nam, họ cũng lấy qua các Công ty đa quốc gia-những Công ty này lại mua gạo của ta” – ông Linh cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT, nếu tính trung bình mỗi tháng xuất 500 nghìn tấn gạo; 4 tháng (tháng 6-9/2014) vụ hè thu xuất được 2 triệu tấn, còn dư khoảng 2,5 triệu tấn. Bộ này cho rằng, lượng thóc gạo còn dư cục bộ như trên, tương đối lớn, nếu tình hình xuất khẩu gạo khó khăn, giá thóc lúa trong nước có thể sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Theo Tiền Phong