Hoa quả nhập khẩu: Vài chục ngàn một cân, khó có hàng chất lượng?

Thứ ba, 08/07/2014, 08:10
Nếu tính về giá trị nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản, hỏng hủy, chi phí bán hàng và nhiều chi phí khác thì rất khó có thể bán các loại trái cây tươi nhập khẩu chất lượng cao với giá vài chục ngàn mỗi kg...

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hải, đại diện Hệ thống Trái cây tươi Klever Fruits khi trả lời phỏng vấn của PV.

Giá cả hoa quả nhập khẩu hiện mỗi nơi một giá, ví dụ cùng giới thiệu là táo Envy nhập khẩu nhưng giá bán tùy nơi chênh nhau mấy chục ngàn đồng, thậm chí gần 200 ngàn đồng mỗi kg. Vì sao có sự chênh lệch quá lớn như vậy, thưa ông?

Việc sử dụng trái cây tươi nhập khẩu từ các nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada và NewZealand là một xu hướng mới ở thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Chính vì thế nên thông tin, kiến thức về các sản phẩm trái cây tươi nhập khẩu này còn quá thiếu đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Để trả lời câu hỏi này thì có mấy điểm cần xem xét:

Thứ 1, trên thị trường trái cây thế giới, trái táo có tới hơn 10 chủng thường dùng trong thương mại. Có thể kể đến như táo Gala, Red Delicious (táo đỏ), táo Granny Smith (táo xanh), táo Fuji, các loại táo được lai tạo như Envy, Ambrosia.

Nho cũng có nhiều chủng, chia theo có hạt, không hạt hoặc chia theo màu sắc xanh, đỏ, đen. Giá cả của các chủng loại khác nhau cũng khác nhau rất nhiều. Lý do chính của sự khác nhau về giá là do cung cầu.

Hiện tại người tiêu dùng của chúng ta hiểu vấn đề rất đơn giản. Phần lớn họ chưa nắm được là ví dụ như Nho đen Mỹ thì phải có đến 5-7 chủng loại khác nhau và giá thành có độ chênh gấp 2 – 3 lần.

Thứ 2, nếu nói riêng về 1 chủng loại, ví dụ như bạn đề cập đến Táo Envy thì trên thị trường người ta cũng phân chia ra thành nhiều loại lắm. Táo loại 1 thường có giá khá cao. Táo ngay sau khi thu hoạch sẽ được phân loại tự động trong nhà máy đóng gói theo các tiêu thức về kích cỡ quả, màu sắc, lỗi xước trên quả.

Khâu bảo quản lạnh đối với hoa quả nhập khẩu là điều rất quan trọng.

Ngoài ra, giá cả của trái cây tươi còn phụ thuộc vào yếu tố đầu mùa, cuối mùa nữa. Vào đầu mùa, khi chúng tôi muốn có ngay sản phẩm mới thu hoạch, chúng tôi sẽ thu xếp vận chuyển bằng đường hàng không để kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường. Vận chuyển đường biển thì giá thành thấp hơn nhiều, tuy nhiên phải sau 30 – 45 ngày tùy quốc gia xuất khẩu, sản phẩm mới tới tay người tiêu dùng được.

Điểm thứ 3 cần kể tới đó là khâu bảo quản, hay nói cách khác là dịch vụ đi kèm theo đối với sản phẩm nhạy cảm như trái cây tươi. Hệ thống Klever Fruits của chúng tôi ngoài việc chỉ nhập khẩu và cung cấp các sản phẩm trái cây tươi loại 1, chúng tôi còn đầu tư rất lớn vào khâu bảo quản lạnh từ 0-6 độ C tất cả các sản phẩm trái cây tươi đến tận tay người tiêu dùng. Các thiết bị lạnh công nghiệp, chuyên nghiệp sẽ giúp cho ta có thể đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm, độ ngon, giòn của các sản phẩm trái cây tươi.

Nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội bán các loại táo, cam ghi là nhập từ Mỹ, Úc với 60-70 chục ngàn/kg, trong khi có những cửa hàng chuyên hoa quả nhập bán cao hơn nhiều, liệu hoa quả nhập có thể bán được những giá đó không, thưa ông?

Khó có thể trả lời là có hay không cho câu trả lời này. Tôi giả sử là các siêu thị mà bạn nói ở đây là các đơn vị bán đúng Táo, Cam nhập từ Mỹ, Úc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nếu tính về giá trị nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản (bảo quản đúng nhiệt độ), chi phí hỏng hủy, chi phí bán hàng và nhiều loại chi phí khác thì theo tôi rất khó có thể bán các loại trái cây tươi đạt chuẩn chất lượng cao với giá đó.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, đại diện Hệ thống Trái cây tươi Klever Fruits: Hoa quả nhập khẩu chất lượng khó có giá vài chục ngàn mỗi kg.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thời gian trong năm, khi một số nhà nhập khẩu nhập về quá nhiều (có thể do dự đoán sai nhu cầu thực của thị trường hoặc do đã trót cam kết với đối tác xuất khẩu), hàng tồn trong kho có nguy cơ hỏng hủy quá cao bắt buộc họ phải có động thái hạ giá để giải phóng hàng thông qua các hoạt động khuyến mại. Tuy nhiên, chất lượng trái cây lúc này là điều đáng phải bàn.

Trong nhiều trường hợp, ví dụ như đối với Klever Fruits, chúng tôi cũng có nhiều chương trình khuyến mại Táo Mỹ, Newzealand với giá 99.000đ/kg hoặc 80.000đ/kg. Các chương trình này của chúng tôi thường nằm trong các chương trình giới thiệu sản phẩm có sự hỗ trợ về mặt tài chính, chi phí marketing của các hiệp hội. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Táo Washington Mỹ, hiệp hội Cherry vùng Tây Bắc Mỹ để luôn có các chương trình giới thiệu và làm quen với sản phẩm.

Về nguồn gốc, xuất xứ của hoa quả nhập khẩu, không dễ phân biệt xuất xứ dựa trên hình thức bên ngoài, thậm chí đã có những trường hợp siêu thị bị nghi ngờ trà trộn hoa quả Trung Quốc. Vậy khi mua hoa quả nhập khẩu, người tiêu dùng nên chú ý những điều gì, thưa ông?

Đúng là thông tin trên thị trường trái cây nhập khẩu hiện nay còn khá nhiều nhiễu loạn. Ta có thể thấy trên thị trường thời điểm 1, 2 năm gần đây có nhiều cửa hàng treo biển bán trái cây nhập khẩu. Đó là hiệu ứng bày đàn rất đặc thù của thị trường Việt Nam, chẳng riêng gì trái cây nhập khẩu.

Tính chất này thường bao giờ cũng có tính 2 mặt. Một mặt tốt thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi bởi quy luật cạnh tranh, mặt khác khi cạnh tranh đang ở trong thời kỳ đầu bùng nổ thì sẽ có nhiều người chỉ chạy theo lợi nhuận, vượt rào và người tiêu dùng thường sẽ là nạn nhân hứng chịu.

Theo tôi, bên cạnh việc các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có chức năng quản lý và điều chỉnh thị trường, thì người tiêu dùng cần phải có những kiến thức cơ bản về các loại trái cây tươi để nhận biết khi sử dụng. Các kiến thức về sản phẩm gồm chủng loại, mùa vụ, xuất xứ, đặc điểm nhận biết về hình dáng, mùi vị. Các kiến thức về tài liệu chứng từ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trên website của chúng tôi luôn có đầy đủ các thông tin này. Theo tôi, chỉ có thông tin, kiến thức mới thực sự giúp chúng ta có những quyết định đúng đắn.

Với người tiêu dùng, việc truy nguồn gốc bằng giấy tờ từ bên bán hàng là điều rất khó, vậy các ông tạo lòng tin với khách hàng bằng cách nào?

Tôi khẳng định rằng việc yêu cầu người bán đưa ra bằng chứng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ là quyền chính đáng của người tiêu dùng và quyền này phải được thực hiện và không được phép từ chối hoặc nêu lý do từ chối.

Ở hệ thống Klever Fruits, mỗi một lô hàng chúng tôi nhập về, thường thì chỉ sau 1 đến 2 ngày chúng tôi sẽ photo chứng từ nhập khẩu bao gồm Giấy Kiểm dịch Thực vật do Chính phủ Việt Nam cấp, Tờ khai hải quan, Giấy Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO) do nước xuất khẩu cấp và chuyển lên tất cả các cửa hàng trong hệ thống để lưu hồ sơ.

Chúng tôi cung cấp cho tất cả các khách hàng của chúng tôi xem và tìm hiểu. Đây sẽ luôn là một yếu tố quan trọng để khách hàng luôn có lòng tin đối với chúng tôi và các sản phẩm của chúng tôi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Các tin cũ hơn