Với mức giá này, xăng dầu ở Việt Nam đang cao hơn một số nước, thậm chí cao hơn ở Mỹ vài ngàn đồng/lít. Nhiều ý kiến cho rằng chính do tỷ lệ thuế, phí và nhiều khoản thu khác đã làm giá xăng dầu Việt Nam cao kỷ lục. Xung quanh vấn đề này, PV đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả.
Xăng tăng giá liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục khiến người tiêu dùng choáng váng. Theo ông cần phải làm gì để kéo giá xăng dầu giảm xuống mức phù hợp?
Lúc này đừng bàn làm thế nào để giảm giá xăng mà phải xem nhà quản lý, doanh nghiệp xăng dầu có muốn giảm hay không?
Thực ra bản chất của câu chuyện là người ta không muốn giảm giá xăng dầu vì họ có rất nhiều lợi ích trong đó. Thế nên tôi cho rằng bàn chuyện giảm giá xăng dầu là hết sức vô nghĩa nếu cơ chế điều hành giá xăng vẫn như hiện tại.
TS. Vũ Đình Ánh. |
Nhiều người cho rằng chính vì thuế, phí xăng dầu hiện quá cao khiến giá xăng Việt Nam phi mã, cao hơn nhiều so với một số nước?
Thuế xăng dầu xưa nay vẫn thế nhưng không ai để ý thôi. Đây cũng không phải lần đầu tiên công bố cơ cấu giá thành xăng dầu như một vài báo đã đưa tin. Từ năm 2009, tôi đã thấy một tài liệu chính thức phát hành liên quan đến khoản thu thuế trong xăng dầu đăng trên báo Nhân Dân. Tổng cộng các khoản thuế, phí ấy dao động trong khoảng 30%, có thời điểm lên tới 50%. Đây là mức thuế, phí rất kinh khủng, có từ lâu rồi, nhìn thấy ngay trong bảng giá cơ sở, nhưng vấn đề không ai quan tâm.
Chính từ mức thuế kinh khủng như thế dẫn tới chuyện không thể để cho Bộ Tài chính quản lý giá xăng dầu được. Bởi vì Bộ Tài chính có lợi ích trong đó, thu được rất nhiều từ đó, mỗi năm thu mấy ngàn tỷ từ thuế xăng dầu. Nếu xăng dầu càng tăng thì Bộ Tài chính thu được càng nhiều. Vậy dại gì Bộ tài chính giảm giá xăng dầu?
Mới đây nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu được chỉ đạo chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, theo ông liệu có giải quyết được vấn đề không?
Giao cho Bộ Công Thương cũng không giải quyết được việc đó. Bộ Công Thương cũng không thể can thiệp được vào việc thuế nên chẳng giải quyết gì.
Vậy đâu là lời giải cho bài toán này, thưa ông?
Theo tôi, để giải quyết được vấn đề này cần phải tách quyền lợi nhà nước ra khỏi quyền lợi doanh nghiệp.
Bây giờ lợi ích nhà nước và doanh nghiệp gắn với nhau. Doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước, nếu doanh nghiệp mà thua lỗ thì nhà nước cũng thiệt, thế nên cũng muốn tăng giá để có lãi, để tăng thu thuế vì thuế đều nằm trên tỷ lệ phần % trên giá, giá càng tăng thì càng thu được nhiều.
Cứ điều hành xăng dầu kiểu này thì nhà nước và doanh nghiệp sẽ bắt tay nhau tăng giá là đương nhiên, cuối cùng chỉ người tiêu dùng chịu thiệt. Nếu không tách được quyền lợi nhà nước ra khỏi quyền lợi doanh nghiệp thì có kêu trời cũng không thay đổi được, kể có có sửa đổi Nghị định 84 cũng vô nghĩa, vì lợi ích của họ ở đó sao họ lại giảm.
Nhiều khả năng giá xăng lại sắp tăng để... bù cho quỹ bình ổn. |
Phải tách quyền lợi nhà nước ra khỏi doanh nghiệp bằng cách không thu thuế tương đối nữa, mà thu thuế tuyệt đối, ví dụ mỗi lít xăng thu 5.000 đồng, kệ giá bao nhiêu. Nghiễm nhiên nhà nước chẳng có lợi ích gì trong việc tăng giá cả. Tăng hay giảm thì cũng vẫn thu thế. Nếu tăng giá sai thì xử lý doanh nghiệp… Vấn đề này tôi đề xuất lâu rồi nhưng không được làm.
Việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay cũng đang gây nhiều tranh cãi vì sự thiếu minh bạch, là tiền của dân nhưng do doanh nghiệp quản lý, dân không thể giám sát?
Tôi đã nói từ lâu rồi, bỏ ngay cái quỹ bình ổn đó đi, nó chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Tiền của dân hay của ai chưa cần bàn nhưng nói chung quỹ bình ổn không giải quyết được vấn đề gì, chưa kể cách quản lý và sử dụng nó cũng rất phức tạp.
Thực ra, khi duy trì quỹ bình ổn này chính họ đang làm phức tạp thêm vấn đề trong điều hành quản lý giá để trốn tránh phải công khai minh bạch. Ví dụ đáng ra giảm giá nhưng ông không giảm, vì lý do còn phải “thu quỹ bình ổn”, trong khi đó chẳng ai biết là quỹ còn hay hết. Như vậy duy trì quỹ bình ổn xăng dầu như hiện nay sẽ tạo ra vùng mờ trong quản lý.
Lần tăng giá xăng này, Bộ Tài chính tuyên bố tăng 410 đồng/lít nhưng thực ra rõ ràng giá bán so với giá cơ sở thì vẫn chênh nhau tới 918 đồng. Họ bảo lấy 500 đồng từ quỹ bình ổn để bù vào. Thế thì nhiều khả năng nay mai họ sẽ tuyên bố, hết tiền trong quỹ bình ổn rồi, phải tăng tiếp, tăng bù cho bây giờ … Điệp khúc tăng cứ thế mà tiếp diễn không thể vãn hồi được.
Hiện nay, thuế chiếm tới gần 50% cơ cấu giá xăng dầu là quá cao và đó là nguyên nhân khiến giá xăng Việt Nam ở mức kỷ lục?
Về lý, xăng dầu là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng vì là tài nguyên không tái tạo, tiêu thụ gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, ở phía sau đó là câu chuyện: Thu thuế từ xăng dầu là nguồn thu cực lớn, bởi vì ai cũng phải dùng xăng dầu, nên thu được thì cứ thu chứ.
Cả thế giới đều trông vào thu thuế xăng dầu, với lời biện minh đây là loại hàng hóa phải hạn chế sử dụng… Việt Nam thu thuế tiêu thụ đặc biệt là bình thường. Các nước họ cũng thu kinh khủng lắm. Chỉ có điều đối với thị trường xăng dầu Việt Nam thì đừng bao giờ lập luận “giá thế giới thế này thì phải tăng giá trong nước thế này” bởi vì giá xăng dầu thế giới có rất nhiều giá khác nhau, mỗi nước khác nhau thì giá khác nhau.
Với Việt Nam phải xác định giá xăng dầu thế nào là hợp lý, xác định biến động thế nào thì phù hợp với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Phải đặt thu thuế xăng dầu trong tổng thể kinh tế Việt Nam, quan tâm thực sự đến việc “hài hòa lợi ích” giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thì mới có hy vọng giá tăng hợp lý.
Theo VTC News