Tại Bình Thuận hiện chỉ có 1 cơ sở thu mua và chế biến hoa thanh long là cơ sở Hoa Bá Vương tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc, đã đăng ký kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế tại địa phương từ năm 2011, do ông Trương Phán và bà Võ Thị Trúc Phương làm chủ.
Hàng chục tấn hoa mang đi đâu làm gì không ai biết. |
Theo chủ cơ sở, sản phẩm do cơ sở chế biến được bán cho khách hàng người Trung Quốc với giá 55.000 – 60.000 đồng một ký. Sản phẩm có thể dùng để pha trộn với một số loại trà uống cao cấp, vì hoa thanh long sau khi sấy có mùi thơm ngọt đặc trưng. Nhụy và nhị hoa pha nước có vị ngọt thanh, dễ uống. Cơ sở chỉ thu mua hoa thanh long trước khi nở 1 - 2 ngày (khoảng 18 ngày sau khi ra nụ) của các nông dân tại địa phương và một số người thu gom tại các địa phương khác. Không thu mua hoa non hơn hoặc hoa đã nở, thanh toán tiền mặt tại chỗ, tùy theo thời điểm, giá mua hoa thanh long dao động từ 2.000 – 3.500 đồng/kg (4 - 6 hoa/kg). Cơ sở chỉ mua búp thanh long của nông dân có hợp đồng lâu dài.
Đối với thanh long mùa, cứ khoảng 10 - 15 ngày cơ sở thu mua 1 đợt với khoảng 80 - 100 tấn. Thanh long trái vụ mỗi ngày thu mua từ 4 - 5 tấn. Sau đó được dự trữ ở các kho lạnh, thời gian trữ kho lạnh không quá 10 ngày thì phải chế biến, nếu không sẽ bỏ đi vì hư hỏng. Cơ sở hiện có 44 lao động làm việc thường xuyên quanh năm. Trong đó có 36 người làm công đoạn cắt chẻ hoa, thu nhập theo sản phẩm 550.000 đồng/tấn hoặc theo thời gian 40.000 đồng/giờ. Còn 8 công nhân ở lò sấy được trả lương bình quân 7 triệu đồng/tháng. Cơ sở này có 5 lò sấy với công suất mỗi lò 2 tấn/ngày. Bình quân 11kg búp tươi qua sấy khô sẽ được 1kg thành phẩm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, việc lặt bỏ bớt hoa thanh long là hoạt động thường xuyên trong quá trình chăm sóc, và cũng là biện pháp kỹ thuật can thiệp, giúp cây thanh long sinh trưởng tốt hơn. Khi cắt trái sẽ cân đối được số lượng trái thanh long trên 1 trụ, tập trung dinh dưỡng để giúp cây cho ra trái có chất lượng tốt và tăng sức chống chịu của cây đối với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Vì vậy, việc thu mua hoa thanh long không có bất kỳ ảnh hưởng gì đến năng suất của cây thanh long.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hoa thanh long được một số người dân sử dụng giống như một loại rau trong bữa ăn hàng ngày. Thậm chí còn được chế biến thành sản phẩm thương mại, như búp thanh long muối chua của chị Bạch Hoàng (cơ sở bánh kẹo Ngọc Uyên) ở Phan Thiết. Việc thu mua hoa thanh long đã tận dụng các sản phẩm khác nhau trên cây thanh long để chế biến thành thực phẩm, giúp các hộ sản xuất, lao động nông nhàn tăng thu nhập, đồng thời giảm bớt gánh nặng về ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, với việc xử lý tàn dư thực vật là hoa thanh long không khả dụng.
Theo các hộ nông dân: “Họ thu mua thì bán vì những búp này bình thường phải tỉa bỏ bớt để tạo ra quả thanh long chất lượng hơn. Thông thường búp sau khi tỉa bỏ, người dân sẽ cho vào gốc để giữ ẩm cho gốc thanh long. Tại những vườn thanh long bị nhiễm bệnh đốm trắng, người dân cũng phải tỉa bỏ búp vì để lại trái cũng không bán được vì hình thức trái xấu.”
Như vậy, việc thu mua bông thanh long đã rõ, tuy nhiên vấn đề ở đây là họ thu mua có bền vững hay không, hay như nhiều nơi chỉ thu mua một thời gian và sau khi thấy mình đầu tư lớn vào thì bỏ chạy không thu mua nữa. Vì thế khi thấy thương lái Trung Quốc thu mua bông thanh long người dân cảnh giác cũng không thừa. Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cũng như mở nhiều hướng sản phẩm cho cây thanh long như từ trái cây không chỉ ăn trái mà còn chế biến nhiều món ăn, thành rượu vang, thành si rô. Hoa thanh long chế biến thành thực phẩm muối chua, sấy khô làm trà...
Theo Zing