Một trong những bài nhạc “chế” thông dụng nhất sau những cuộc vui là “Bán sữa đậu nành” hát theo nhạc của tác phẩm bôlêrô lừng lẫy Giọt lệ đài trang. Đại khái là ngày xưa cô gái đạp chiếc xe màu xanh đi bán sữa đậu nành, sau đó con em cũng đi bán sữa đậu nành trên chiếc xe màu xanh, đến cháu em, chắt em... cũng đều thừa hưởng gia tài là chiếc xe đạp màu xanh để bán sữa đậu nành... Hát thì vui, nhưng đó cũng là một phần cuộc sống thực sự: sữa đậu nành là thứ thông dụng lắm trong cuộc sống của người Việt.
Việt Nam xếp thứ tư thế giới về tiêu thụ sữa đậu nành. |
Hồi nhỏ, ở quê xứ cây thông buổi tối ra chợ Đà Lạt uống sữa đậu nành là một điều rất thú vị. Trời lạnh, ngồi cạnh cái nồi sữa đang bốc khói thơm lừng, áp hai lòng bàn tay vô ly sữa nóng có miếng váng sữa mỏng mỏng, thấy cuộc đời không có gì sướng hơn.
Lớn chút vô Sài Gòn học, sáng sớm dắt xe khỏi nhà, đã thấy những bịch sữa căng tròn bán chung với tàu hũ... Rồi dọc theo các tuyến đường, không biết từ lúc nào bên cạnh thùng rau má cũng có thêm thùng sữa đậu nành lạnh, uống tới đâu mát tới đó, lại còn có tác dụng chống đói cho bữa cơm sinh viên xa nhà.
Đi làm, thì thứ gần gũi hơn lại là chai đậu nành Tribeco “thần thánh” một thời ở đâu cũng có: tiện dụng, ngon, bổ, rẻ. Ngồi uống đậu nành Tribeco, lúc nào cũng nhủ lòng: sáng mai phải mua bịch sữa đậu nành trong hẻm cho nó lành... Rồi quay qua quay lại, thấy Vinasoy, một công ty ở xa lắc tận Quảng Ngãi, công bố kết quả khảo sát của Nielsen, là họ đang chiếm đến hơn 80% thị phần sữa đậu nành tại Việt Nam. Ô hay, thị trường thay đổi nhanh hơn mình tưởng...
Sự tiềm năng của sữa đậu nành không phải mới được nhìn thấy. Mà 17 năm trước, trong tất cả các sản phẩm của công ty mía đường Quảng Ngãi, sữa đậu nành là món duy nhất phát triển liên tục. Thời hoàng kim của chứng khoán, các tín đồ đầu tư cũng rất sức quan ngại cho thị giá của cổ phiếu Vinamilk và Tribeco, khi nghe tin PepsiCo cũng tung ra sản phẩm sữa đậu nành. Họ thực sự lo ngại “Trisoy” và V-fresh đậu nành sẽ bị tấn công bởi mạng lưới phân phối dày đặc của sản phẩm mới mang tên Body Naturals. Ngay cả một đại gia mạnh mẽ như Tân Hiệp Phát cũng gắn thêm chữ Number One bán chạy nhất của mình vào bên cạnh chữ “sữa đậu nành”.
Và hiện nay, cuộc chiến phức tạp nhất đang diễn ra là nhằm vào... tính khoa học của sản phẩm. Vốn đã có V-fresh đậu nành, doanh nghiệp lớn nhất ngành Vinamilk quyết định tung thêm nhãn Goldsoy với lời tuyên bố xanh rờn: Lần đầu tiên tại Việt Nam, sữa đậu nành làm từ 100% hạt đậu nành không biến đổi gen. Nó ngụ ý điều gì thì ai cũng biết. Đơn vị đang dẫn đầu thị trường là Vinasoy lật đật tung ngay đòn phản công: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy. Họ tuyên bố, đây là một trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam hoạt động với sứ mệnh tập trung nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến nhất về hạt đậu nành vào sản xuất và tiêu dùng. Việc chính thức hợp tác với hai đối tác chiến lược là trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ – đại học Missouri và đại học Illinois như một lời giải thích của Vinasoy liên quan đến chất lượng của... biến hay không biến đổi gen.
Trong khi đó, PepsiCo lui binh, không bán sữa đậu nành nữa. Soya Number One chỉ khẽ khàng khoe công nghệ tách vỏ đậu nành là của Nhật, Trisoy bảo được sản xuất với công nghệ trích lọc tiên tiến lưu giữ hoàn hảo các thành phần dinh dưỡng và protein trong hạt đậu nành; đồng thời vẫn đảm bảo được hương vị sữa đậu nành thơm ngon như truyền thống.
Hỏi thăm chuyện sữa đậu nành với một ông nông dân thế hệ mới chúng tôi đã có lần đề cập, anh Huỳnh Quang Vinh, phó tổng giám đốc công ty Antesco, cười: “Nhà tôi là chuyên uống sữa đậu nành, nhưng lúc nào cũng phải tự làm cho chắc ăn. Mua loại đậu hạt nhỏ, thô và hơi xấu chút cho đảm bảo là đậu xứ mình trồng, không lai tạo biến đổi gì hết, dù mắc hơn thứ đậu đẹp đẽ xinh tươi nhập khẩu chút, nhưng chắc ăn. Tối cho vô thau nước ngâm, sáng vớt ra, cho vô nồi nấu, xong lọc ra cho cả nhà uống. Cũng cực một chút, nhưng an toàn và dinh dưỡng là trên hết”.
Một chuyện vui hơn là anh chủ cửa hàng tạp hoá gần nhà, khi đến hỏi mua sữa đậu nành, anh bảo: “Thôi sáng dậy sớm ra mua sữa đậu nành của bà Chín đi cho nó tươi ngon...” Và cả xóm hay gọi vui người phụ nữ bán sữa đậu nành tự nấu bao nhiêu năm nay là “Bà Chín Soy”. Tiếc là bà Chín không có chiếc xe đạp màu xanh..
Theo Zing