Thu 400 triệu đồng/năm từ nghề "truyền thần" tượng gỗ

Thứ ba, 15/07/2014, 10:15
Chỉ nhìn qua một bức ảnh, các nghệ nhân ở làng Bảo Hà, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có thể dùng tay đúc ra bức tượng có khuôn mặt giống hệt. Đây là một nghề mang lại thu nhập khá cao.
Làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vẫn có với nghề làm tượng Phật đã hơn 500 năm. Các nghệ nhân nơi đây có thể làm ra các bức tượng theo đơn đặt hàng bằng tay (không dùng máy). Các sản phẩm chính là đồ thờ, tượng các chùa, các sản phẩm sang trọng tại cung đình vua chúa.
Một bức tượng phải kỳ công làm hết khoảng 10 ngày nhưng bù lại số tiền kiếm được cũng không nhỏ. Một nghệ nhân tiết lộ, thu nhập bình quân cả năm từ 300 đến 400 triệu đồng, đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Các xưởng lớn lãi không dưới 30-40 triệu đồng/tháng.
Nếu như trước đây các xưởng chỉ đục khắc tượng Phật thì ngày nay họ nhận truyền thần từ ảnh làm tượng người. Nhiều gia đình muốn làm tượng tổ tiên hay các cụ ông cụ bà có thể đến đây đặt hàng.
Ông Đỗ Văn Mạnh đã có hơn 40 năm tuổi nghề. Sản phẩm của ông có mặt ở hầu hết những công trình lớn như đền Dư Hàng, đền Ngô Quyền, đền Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều chùa chiền trong cả nước
Hiện nay, trong số gần 1.000 hộ làm nghề ở Bảo Hà thì có tới gần 200 hộ tạc tượng. Nhiều nhà mở hẳn xưởng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.
Ông Bưởng năm nay gần 80 tuổi. Ông là người khá nổi tiếng trong nghề đúc tượng. Ông không thể nhớ nổi trong đời mình đã làm ra bao nhiêu tác phẩm phục vụ khách hàng.
Vợ ông Bưởng đang làm đẹp cho hai bức tượng cụ ông cụ bà mà khách hàng đặt. Cặp đôi tác phẩm thể hiện sự tỉ mỉ, cầu kỳ từng đường nét. "Không chỉ phải giống như ảnh mà khách đưa, tượng còn phải có hồn mới đạt được yếu tố nghệ thuật của sản phẩm", bà nói.
Đến Bảo Hà, người ta còn có thể thưởng thức rối nước của phường rối nước Minh Tân do nghệ nhân Đào Minh Tuân thành lập và đang hoạt động như một mô hình mới trong công tác bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích