Nước hoa quả chế từ chất tạo màu và hương liệu giá rẻ
Chợ Đồng Xuân từ lâu đã được coi là “thủ phủ” của các loại hóa chất, là khu “tạp phí lù” các loại phẩm màu, siro hoa quả, tinh dầu không nguồn gốc.
Khi các cơ quan chức năng bắt đầu siết chặt quản lý ở khu vực này, cũng không có nghĩa là hoạt động buôn bán những sản phẩm siêu rẻ, siêu độc hại, tù mù về xuất xứ bị dập tắt hoàn toàn. Nhiều tiểu thương bắt đầu “chui” vào “hoạt động bí mật”.
Mùa hè có lẽ là mùa “ăn nên làm ra” nhất của các tiểu thương ở đây. Bởi các loại siro, nước hoa quả, chất tạo màu, tạo mùi cho thực phẩm và các loại hóa chất “phù phép” thực phẩm bắt đầu được những quán ăn, cửa hàng bán nước giải khát sử dụng nhiều hơn. Nhất là các loại siro, tinh dầu tạo mùi.
Hầu hết các kiot bán hàng tạp hóa tại chợ Đồng Xuân đều có bày bán rất nhiều loại hóa chất tạo mùi mang nhiều mùi vị hoa quả các loại dùng để chế nước hoa quả, làm kem, làm trà sữa...
Theo chủ một gian hàng tạp hóa cổng chợ Đồng Xuân từ tháng 4, lượng khách đến mua các loại chất tạo màu, tạo mùi đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với những tháng trước đó. Cao điểm có ngày, chủ gian hàng này bán hơn 20 lít.
Chất tạo màu, tạo mùi không nguồn gốc là nguyên liệu "chế" nước hoa quả giá rẻ bán ngoài chợ.
Ở các tuyến phố lân cận như Hàng Buồm, Hàng Giầy…mặt hàng này cũng được bày bán tràn lan. Chủ một cửa hàng trên phố Hàng Buồn cho biết, những loại chất tạo hương giá rẻ chỉ khi nào có khách hỏi thì họ mới đem ra và chủ yếu bán cho khách quen.
Cũng theo bà chủ này, chất tạo mùi tạo màu thường được bán với giá khoảng 150.000- 250.000 đồng/lít tùy loại "Chỉ cần vài giọt chất này vào là đã có ly nước hoa quả thơm phức, mùi cam, chanh, bạc hà, táo, nho, dâu…màu gì, mùi gì cũng có tất".
Tìm hiểu của PV, những loại chất tạo màu, tạo mùi 3 không (không nguồn gốc, xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn mác) này đều là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, được tiểu thương nhập về chia nhỏ ra chai, lọ bán cho khách.
“Nhiều người buôn bán nhỏ thường mua chất tạo màu công nghiệp rồi mua chất tạo mùi giá rẻ, đường hóa học rồi về pha chế thành từng bịch nước hoa quả nhiều màu bán tại các cổng trường cho đối tượng học sinh. Chỉ cần 100gram chất tạo mùi, chút chất tạo màu và đường hóa học là cho ra được 20 lít nước hoa quả. Bán 5.000 đồng/bịch nước hoa quả là ngày đã kiếm được cả đống tiền lãi. Nói thật với cô, cái loại nước hoa quả này, đến đụng tay vào tôi còn thấy ngại vì sợ hỏng da tay”, một tiểu thương bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân tiết lộ.
Mèo ngửi rồi… quay đi
Tại một số khu chợ: Chợ nhà Xanh, chợ Nghĩa Tân hay tại một số cổng trường tiểu học thường xuất hiện những người bán nước hoa quả dạo, với giá trung bình từ 5.000- 8.000 đồng/bịch. Những loại nước này thu hút được rất nhiều các bạn sinh viên và học sinh.
Tại chợ nhà Xanh (Cầu Giấy, HN), những bịch nước hoa quả vàng, đỏ, xanh,… đủ màu bày bán rất nhiều.
Thúy Vân, SV trường ĐH Quốc Gia cho biết: “Ra chợ mua đồ ngày nắng nóng thì một bịch nước hoa quả là biện pháp giải nhiệt hữu hiệu nhất, giá lại rẻ nữa. Vậy nên sinh viên tụi em ra đến đây thường chọn loại nước uống này làm đồ giải khát”.
Những bịch nước hoa quả đủ màu bày bán rất nhiều tại các chợ, trường học trên địa bàn Hà Nội.
Theo một người bán quần áo tại chợ nhà Xanh: “Không biết các cô cậu sinh viên nghĩ gì mà suốt ngày uống cái loại nước độc hại đó. Ban đầu, thấy các cô cậu ấy mua nhiều, tôi cũng mua thử 1 gói về uống xem mùi vị thế nào. Vừa đưa vào miệng đã phải nhổ đi vội vì mùi rất hắc, vị ngọt sắc của đường hóa học. Đổ ra bát cho mèo uống nó cũng chỉ ngửi ngửi rồi… chạy mất”.
Tại cổng trường tiểu học, THCS trong thành phố cũng thấy nhiều xe nước giải khát với các loại nước như chanh dây, nước tắc, nước cam, nho tây, dâu pha sẵn trong những bịch loại một lít, sẵn sàng đổ ly đá bán cho khách. Mỗi ly nước trên chỉ 2.000 đồng nên quanh các xe lúc nào cũng đông học sinh.
Một người bán nước giải khát lâu năm cho biết, chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng là có thể biến các hóa chất tạo mùi thành khoảng 1.000 ly nước giải khát bụi rất ưa chuộng ngoài đường những ngày nóng bức này.
Theo các chuyên gia y tế, nước giải khát vỉa hè, ngoài chợ không công bố chất lượng nên tùy vào cái tâm của người bán. Họ cho chất gì chỉ có họ mới biết. Hiện có hàng chục chất phụ gia, hương liệu gọi là chất giả tạo thay chất tự nhiên để tạo nên các loại nước giải khát tràn ngập thị trường, với giá rẻ, dễ pha chế nên bán rất chạy. Tuy nhiên, những chất phụ gia này hầu như không được kiểm soát. Ngoài việc dùng hóa chất độc hại hòa với nước tạo ra nước giải khát, nhiều loại đường hóa học ngoài danh mục cũng được dùng vào chế biến nên nguy cơ gây bệnh là khó tránh khỏi.
Các chất tạo màu, tạo mùi trong công nghiệp có nhiều tạp chất và kim loại nặng khi đưa vào thức ăn, thức uống sẽ gây ngộ độc mãn tính, gây nhiều chứng bệnh ung thư về lâu dài.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: "Nếu quá lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất có hại đến sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, về lâu dài nếu được tích lũy cao có thể gây ung thư. Bên cạnh đó, việc sử dụng đường hóa học trong chế biến chè, nước hoa quả cũng có khả năng gây hại vì đường hóa học thường ngọt hơn đường kính và không có giá trị dinh dưỡng".
Theo các chuyên gia hóa thực phẩm, dấu hiệu nhận biết nước hoa quả xịn và giả khá đơn giản. Nước hoa quả nguyên chất chỉ cần để một vài giờ sẽ lắng xuống làm cho nước trong hơn, còn nếu nước sử dụng chất hóa học thì luôn bị đục, kể cả khi đã để vài ngày. Khi đưa vào cơ thể người, nước hoa quả tự nhiên sẽ phân hủy nhanh, cải thiện sức khỏe đáng kể, tạo cảm giác khoan khoái. Còn những loại nước hoa quả, sinh tố dùng hương liệu, hóa chất để chế biến hầu như không có chất dinh dưỡng, sẽ tích lũy dần trong cơ thể, phân hủy chậm và nếu sử dụng thường xuyên, lâu dài sẽ gây hại đến sức khỏe. Bên cạnh đó, nếu trong nước hương liệu sử dụng loại nhũ hóa độc hại, không được cơ quan y tế cho phép hoặc dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng. |
Theo Người Đưa Tin