Ngay sau khi có thông tin Hà Nội sẽ tiến hành phúc tra các hóa đơn điện tăng từ 130% trở lên, nhiều khách hàng tỏ ra ngạc nhiên vì hóa đơn nhà mình tăng vọt 150%, thậm chí lên 200%, nhưng lại chưa một lần được phúc tra.
|
Theo quy định của ngành điện, nếu sản lượng điện của khách hàng tăng từ 130% so với tháng trước thì sẽ tiến hành phúc tra. |
Chị Nguyễn Thị Hồng ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: Trong tháng 6 vừa qua, hóa đơn tiền điện nhà chị lên tới hơn 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, tháng 5 số tiền điện sử dụng chỉ khoảng 1 triệu đồng, như vậy tiền điện đã tăng vọt lên tới gấp 2,5 lần.
Theo chị Hồng, vật dụng tiêu tốn điện năng trong nhà không có thêm thiết bị mới nào, điều hòa vẫn bật thời gian như tháng trước, số người trong gia đình không thêm ai mà bỗng dưng tiền điện tăng thêm nhiều khiến chị không hiểu lý do vì sao. Bần thần, bực bội nhưng chị Hồng vẫn cứ phải bấm bụng thanh toán tiền điện vì sợ không đóng lại bị cắt điện.
“Khi nghe thông tin ngành điện sẽ cho phúc tra những hóa đơn tiền điện tăng trên 130% tôi cứ ngóng mãi nhưng chưa thấy ai đến cả. Hỏi nhân viên thu tiền điện thì họ cũng không nắm được bao giờ sẽ kiểm tra”, chị Hồng cho biết.
Cũng bức xúc và không hiểu vì sao tiền điện tăng hơn tháng trước, anh Hoàng Duy ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Nhà tôi bình thường các tháng chỉ vài trăm ngàn tiền điện, tháng nắng nóng bật điều hòa cả đêm vì ban ngày cả nhà đi làm vắng thì cũng hết chưa đến 1 triệu đồng như tháng 5.
Thế nhưng, tháng 6 hóa đơn tiền điện tận 1,5 triệu đồng mà cả nhà còn đi nghỉ mát 10 ngày liền, không hiểu vì sao lại tăng thêm tiền như vậy?
Khi PV hỏi anh có biết thông tin ngành điện sẽ kiểm tra những hóa đơn tiền điện có sản lượng tăng cao hơn 130%? Cũng giống như chị Hồng, anh Duy và nhiều người khác phản ánh với infonet.vn có biết thông tin này, và cũng chờ xem có nhân viên nào đến hỏi không nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có ai đến kiểm tra gì. Hóa đơn dù có tăng 150, hay 200% so với tháng trước mà vẫn không một lần được phúc tra.
|
Nhiều khách hàng bức xúc trước tình trạng hóa đơn điện của gia đình tăng vọt. |
Trao đổi với PV về quy định phúc tra với những trường hợp hóa đơn điện tăng từ 130% so với tháng trước, bà Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chánh văn phòng Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, đây là quy định chung của ngành điện. Sau khi ghi số, trên máy tính tổng có phần mềm theo dõi, nếu điện tăng hơn 130% so với tháng trước thì tín hiệu đèn sẽ báo đỏ.
Khi xảy ra trường hợp như vậy, EVN Hà Nội sẽ chủ động cho người xuống kiểm tra ngay, xem việc ghi số điện đã chính xác chưa. Tuy nhiên đây là cách kiểm tra theo quy định thông thường, và việc kiểm tra này sẽ không thông báo cho khách hàng. Với khoảng 2,1 triệu khách hàng dùng điện ở thủ đô, trong khi chỉ có khoảng 1.000 công nhân điện, nên rất khó tránh khỏi sai sót và cũng không thể báo hết được tất cả những trường hợp EVN Hà Nôi đi phúc tra…
Theo bà Nguyễn Hoàng Anh, chỉ những trường hợp khách hàng trực tiếp có ý kiến, gọi điện đến đường dây nóng, hoặc gửi thông tin tới hòm thư điện tử thì EVN Hà Nội mới tiến hành phúc tra và trả lời trực tiếp khách hàng.
Bà Hoàng Anh cũng giải thích, "vào mùa nắng nóng, điển hình như đợt 2 tháng 5 và 6 vừa qua, nếu tiền điện tăng lên 100%, hoặc 200% cũng là chuyện bình thường".
"Ngược lại vào tháng 7 này do thời tiết hạ nhiệt nên tiền điện thấp đi so với tháng 6 cũng là chuyện thông thường".
Tuy nhiên nếu trong điều kiện thời tiết đang từ nắng nóng chuyển sang lạnh mà điện tăng tới 130% là “có vấn đề”. Theo bà Hoàng Anh, với điều kiện ghi chép số điện bằng tay và với lượng khách hàng lớn như hiện nay, sai sót là điều có thể xảy ra và phải được điều chỉnh lại. Từ khi chốt số điện đến khi xuất hóa đơn, phía EVN Hà Nội phải tiến hành rà soát, kiểm tra ít nhất 2 lần rồi mới xuất hóa đơn cho khách hàng.
Về kết quả kiểm tra của liên ngành đang thực hiện với các trường hợp khách hàng phản ánh, bà Hoàng Anh cho biết, kết quả sơ bộ cho thấy chưa xảy ra sai sót gì từ phía ngành điện cả. Chi tiết các cuộc kiểm tra sẽ được EVN Hà Nội thông báo chính thức sau khi cuộc kiểm tra kết thúc.
Theo Infonet