Lý giải về việc đưa ra các quy định gây tranh cãi, các quan chức Bộ Công thương dẫn Quyết định 244 của Thủ tướng về Chính sách phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Theo đó, một trong các giải pháp để kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia... là không bán cho người có biểu hiện say rượu, cho người dưới 18 tuổi, cho phụ nữ có thai, không bán tại trường học, bệnh viện, công sở, không bán trên vỉa hè...
Cam kết khả thi nhưng chưa có cách kiểm soát
Tuy nhiên, góp ý trực tiếp việc này, bà Trịnh Thị Hằng Nga, đại diện Bộ GTVT chỉ ra rất nhiều khoảng trống về quản lý ở quy định.
Bà Nga nói: "Thủ tướng giao nhiệm vụ là đúng, nhưng không phải mình đưa nguyên quy định đó vào Nghị định mà nên căn cứ hoàn cảnh thực tế, xem có hợp lý không. Khi quy định thì cũng phải xem kiểm tra, giám sát như thế nào. Ví dụ, bán bia cho người dưới 18 tuổi thì người đi mua bia phải mang theo cả chứng minh thư? Theo tôi, việc này không khả thi".
Thậm chí, vị đại diện này còn cho rằng, nếu chưa kiểm soát được thì chưa thể cấm.
Ông Việt, chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cũng đề nghị chưa nên đưa các quy định cấm này vào Nghị định.
Tuy nhiên, các đại diện từ các Sở Công Thương thì rất ủng hộ quan điểm cấm bán bia vỉa hè này.
Những vấn đề đang gây tranh cãi về việc cấm bán bia ở vỉa hè, bán cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai... đã tiếp tục được mổ xẻ |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan nói, hầu hết các nước có sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Chỉ có Việt Nam là tràn lan kinh doanh đủ thứ trên vỉa hè, trong đó có bia, gây mất cảnh quan đô thị, an toàn giao thông, không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc cấm bán bia cho người dưới 18 tuổi ở các nước cũng đã cấm, bởi trẻ em mà dùng chất kích thích là nguy hiểm.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nói: Ở nước ngoài, họ vẫn cấm được và nếu nghi ngờ về độ tuổi, họ có quyền hỏi CMT. Hay như với phụ nữ có thai, người bán nhìn thấy bụng bầu thì biết ngay đối tượng không được bán. Nhưng chi tiết với mức không bán bia cho phụ nữ đang cho con bú thì khó.
Một thành viên ban soạn thảo Nghị định chia sẻ: "Tại cuộc họp về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã có ý kiến nên cấm kinh doanh tiết canh, lòng lợn, vì không đảm bảo vệ sinh an toàn. Nhưng nếu đưa thông tin này ra, chắc dư luận sẽ phản đối, vì đó là món ăn yêu thích của nhiều người dân".
Ông cho rằng, những quy định như cấm bán cho người dưới 18 tuổi, vẫn là khả thi. Bởi vì, một học sinh tiểu học, hay trung học, mặc đồng phục mà đi mua bia, chắc chắn là dưới 18 tuổi. Nếu người kinh doanh vẫn bán cho đối tượng này thì họ đã vi phạm".
Việc chuyện cấm kinh doanh ở vỉa hè, có nhiều nước vẫn làm, nhưng họ chỉ cho bán ở khu vực dành cho người đi bộ. Có thể, chúng tôi sẽ tính giải pháp, chỉ kinh doanh bia trên các tuyến phố được đi bộ chẳng hạn.
Thêm 1 con tem, tốn 2.000 tỷ đồng
Với các DN sản xuất bia, điểm được quan tâm nhiền hơn là dán tem quản lý.
Ông Dũng, Phó Tổng Giám đốc Habeco ước tính, giá mỗi con tem khoảng 160-170 đồng. Với sản lượng tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia hiện nay của Việt Nam, tương đương trung bình sẽ có 10 tỷ đơn vị sản phẩm phải dán tem. Như vậy, trong 1 năm, chi phí dán tem quản lý sẽ tốn thêm 1.600- 1.700 tỷ đồng.
Ông Dũng đề nghị, sẽ cần phải cân nhắc quy định này. Nếu so sánh giữa việc có tăng thu cho Ngân sách Nhà nước so với chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra, nếu không hiệu quả thì cần phải xem lại.
Đại diện của Sabeco cũng cho rằng, nếu tính cả con số nhập khẩu thì tiền dán tem quản lý phải là 2.000 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí rất lớn, các doanh nghiệp vừa phải đầu tư máy móc, thiết bị, thuê thêm lao động...
Với kế hoạch của Sabeco là 1,326 tỷ lít năm nay, mỗi ngày ra thị trường 11 triệu đơn vị sản phẩm, cả năm tên 4 tỷ đơn vị sản phẩm, ước tính phát sinh chi phí 800 tỷ đồng. Con số này sẽ vượt quá kế hoạch maketing của công ty. Tôi e rằng, nếu quản lý không tốt, sẽ tạo ra một thị trường tem. Có cầu sẽ có cung, hình thành tem giả, quản lý ra sao?.
Trong khi đó, chuyên gia đến từ Tổng cục Thuế bày tỏ, việc dán tem chưa chắc đã lợi hơn so với việc tăng thu ngân sách, vì có thể có tình trạng tem giả. Bộ Tài chính ban hành Thông tư về rượu, cũng đang nổi cộm về chi phí phát sinh, chưa ai chịu ai.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa lý giải thêm, Bộ còn có đề án về dán tem hàng hoá. Câu chuyện ở đây không chỉ là việc dán tem mà thông qua đó, Nhà nước quản lý dữ liệu ngành bia tốt hơn. Mỗi tem có một code, tự động truyền dữ liệu đến từng máy chủ ở Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Quản lý thị trường chỉ cần đưa máy soi vào là có thể biết được hàng giả hay hàng thật, Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo VietnamNet