Cụ thể, công ty Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) vừa ra mắt dòng sản phẩm bia không cồn mới mang tên Sagota, với nồng độ cồn tối đa 0,5%. Theo nhà sản xuất, bia Sagota cũng được làm từ lúa đại mạch, gạo, hoa bia như nhiều loại bia khác trên thị trường. Chỉ có một điểm khác là trong quá trình sản xuất, phần lớn chất cồn đã được tách ra khỏi bia thành phẩm nên người uống sẽ không bị say. Hệ thống sản xuất này được Sabibeco nhập từ Đức.
Nghe lạ tai, nhưng thực tế bia không cồn đã xuất hiện tại Mỹ từ năm 1917, khi chính phủ lúc bấy giờ cấm sản xuất và buôn bán thức uống có cồn.
Sagota được xếp vào loại bia không cồn vì nồng độ cồn tối đa chỉ là 0,5%. |
Theo tờ The Economist (Mỹ), lượng tiêu thụ bia không cồn trên thế giới đã tăng mạnh trong những năm gần đây nhờ sức mua từ thị trường Trung Đông, sau khi người đạo Hồi bắt đầu được phép sử dụng loại sản phẩm này. Bên cạnh đó, bia không cồn cũng bắt đầu được nhiều thị trường ở châu Âu và châu Á tiêu thụ mạnh nhờ tốt cho sức khỏe mà người uống lại không bị ảnh hưởng bởi chất cồn.
Tại Việt Nam, bia không cồn đã xuất hiện một thời gian dưới dạng các sản phẩm nhập khẩu hoặc xách tay; và được gọi thông dụng bằng cái tên “bia chay”. Có thể kể đến như bia Bavaria 0% cồn của Hà Lan; bia OeTTinger, 0,5% cồn của Đức có giá từ 20.000-32.000 đồng/lon hoặc chai; nhưng phần lớn vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa “bia chay” sẽ chẳng có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam.
Có lẽ ai cũng biết bia có cồn dù mang lại những lợi ích nhất định cho người uống, ví dụ như tăng cường hệ miễn dịch hay cung cấp chất chống ôxy hóa bảo vệ tim mạch. Một nghiên cứu được thực hiện năm 2010 trên 38.000 người Mỹ đã kết luận bia có cồn giúp giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2, nếu được dùng đều đặn. Tất nhiên, cồn vẫn gây hại cho gan nếu tiêu thụ quá nhiều.
Trong khi đó, người ta đã chứng minh được rằng bia không cồn vẫn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe do người uống không phải hấp thụ cồn.
Theo các nhà khoa học Mỹ, bia dù tách cồn nhưng vẫn mang giá trị dinh dưỡng cao. Có thể kể đến như chất silic trong bia là thành phần quan trọng giúp tăng cường khoáng chất cho xương, giúp ngăn ngừa loãng xương; hay chất acid folic và sắt rất tốt cho phụ nữ mang thai. Bia không cồn còn có thể giúp giảm mức cholesterol, đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ tích tụ mỡ gây nghẽn mạch máu.
Trước khi Sabibeco tung ra bia không cồn Sagota, hãng bia Nhật là Sapporo cũng từng cho biết đang nghiên cứu khả năng tung ra 2 dòng sản phẩm là bia không cồn và bia không gút (ít đạm). Theo đại diện Sapporo Việt Nam, dòng bia có lợi cho sức khỏe đang kinh doanh rất tốt tại Nhật và được người tiêu dùng đón nhận. Vì vậy, nếu thị hiếu của người Việt Nam phù hợp, nhà máy của Sapporo ở Long An có thể sản xuất ngay bia không cồn hoặc không gút để phục vụ thị trường.
Tất nhiên, dự tính của Sapporo là hoàn toàn có cơ sở. Với mức tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia mỗi năm, Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu về tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ bia hằng năm. Trong bối cảnh đó, ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng trong việc bảo vệ sức khỏe trước tác hại của chất cồn đang tạo ra nhu cầu cho những dòng bia mới. Và Sagota của Sabibeco chính là sản phẩm đầu tiên chính thức khai phá thị trường bia có lợi cho sức khỏe tại Việt Nam.
Quy mô thị trường tiềm năng mà bia không cồn Sagota vừa mở ra lớn đến mức nào? Theo nghiên cứu do Cộng đồng khảo sát trực tuyến Vinaresearch (công ty W&S) thực hiện vào năm 2012, độ tuổi tiêu thụ bia có cồn tại Việt Nam chủ yếu từ 20-40 (khoảng 31 triệu dân). Đây là nhóm có tiềm năng trở thành khách hàng của bia không cồn trong tương lai, khi người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu hiểu được tác dụng tích cực của loại sản phẩm mới này đối với sức khỏe.
Không chỉ vậy, bia không cồn còn có thể được tiêu thụ bởi nhóm dân số trẻ tuổi từ 18-19 (khoảng 5-7% dân số), nhóm người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên (khoảng 18% dân số); và đặc biệt là nhóm dưới 18 tuổi (khoảng 28% dân số) vốn là đối tượng bị cấm dùng đồ uống có cồn, nhưng vẫn có thể tiêu thụ được bia không cồn.
Ở các nước phát triển, xu hướng chung cũng đang giảm dần tiêu thụ thức uống có cồn. Theo một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm ngoái, mức tiêu thụ thức uống có cồn bình quân đầu người tại châu Âu đã giảm 12,4% trong giai đoạn 1990-2010. Trong khi đó, theo The Economist, mức tiêu thụ bia không cồn toàn thế giới đạt 2,2 tỷ lít, tăng 80% trong vòng 5 năm qua. Rõ ràng, một thị trường cho sản phẩm bia không cồn có lợi cho sức khỏe là hoàn toàn khả thi tại Việt Nam.
Nhìn từ góc độ kinh doanh, có thể nói Sabibeco đã tạo được ấn tượng với định vị Sagota - bia không cồn đầu tiên tại Việt Nam, mở ra một phân khúc thị trường mới chưa có đối thủ nào tham gia. Nếu Sagota tiếp tục được đầu tư bài bản và tận dụng tối đa lợi điểm bán hàng độc nhất, sẽ không quá bất ngờ nếu sản phẩm này cũng gặt hái được thành công như dầu gội X-men cách đây hơn 10 năm.
Theo NCĐT