Thiên đường hàng hiệu nhái tại Trung Quốc

Thứ tư, 20/08/2014, 09:28
Hàng chục năm nay, Lowu Commercial City tại Thâm Quyến (Trung Quốc) đã nổi danh về đồ nhái, từ đồng hồ Rolex, giày Gucci, túi xách Prada đến quần áo Fendi.

Trung tâm thương mại - giải trí 6 tầng này có hơn 1.200 cửa hàng, được trang bị 32 thang cuốn và 16 thang máy. Ngoài các cửa hàng bán lẻ, nơi đây còn có các dịch vụ như nha khoa, làm tóc hay massage. Lowu cũng nổi tiếng với nhiều khách hàng Hong Kong khi là nơi đặt làm quần áo, giày và đồ nội thất với giá rẻ. Theo SCMP, mỗi ngày, có khoảng 30.000 người tới đây để tìm đồ giá hời.

Vấn đề buôn bán hàng nhái tại Lowu lại luôn khiến giới chức Trung Quốc đau đầu. Thậm chí, đầu tháng 8, khi các cửa hàng được cảnh báo sắp có Hạ nghị sĩ Mỹ về vấn đề bảo hộ bản quyền trí tuệ ghé thăm, người ta vẫn có thể dễ dàng mua được một chiếc túi Louis Vuitton giả tại đây.

luohu-7885-1408468521.jpg

Bên trong tòa nhà Lowu Commercial City ở Thâm Quyến. Ảnh: Shenzhen Shopper

Trước đó, công ty quản lý trung tâm này đã gửi thông báo đến từng cửa hàng, yêu cầu bỏ khỏi kệ các loại vali, quần áo, kính và đồ điện tử giả, đặc biệt là của các thương hiệu Mỹ. Nhân viên cũng được cảnh báo không rao to để lôi kéo khách.

"Chúng tôi được cơ quan giám sát thị trường địa phương thông báo miệng rằng người đại diện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Hạ viện Mỹ sẽ tới thăm hai địa điểm ở Thâm Quyến. Đó là trung tâm của chúng tôi và làng tranh sơn dầu Dafen. Tôi nghe được rằng họ sẽ điều tra bí mật, nhưng chẳng biết họ là ai và tới lúc nào", He Shengan - Phó giám đốc công ty quản lý trung tâm này cho biết.

Theo giới chức Thâm Quyến, tình trạng kinh doanh hàng nhái đã được cải thiện do các đội chống hàng giả thường xuyên đi kiểm tra các cửa hàng. "Lowu Commercial City có hơn 1.200 cửa hàng tại 6 tầng. Trong đó, chỉ 8 là bị phát hiện bán đồ nhái và đã phải đóng cửa cho đến khi tuân thủ đúng luật pháp", He cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chỉ sản phẩm sử dụng logo của các hãng nổi tiếng mới bị coi là hàng nhái. “Rất khó để phạt các cửa hàng nếu như họ chỉ mang ra những chiếc túi giống Louis Vuitton, nhưng không mang logo của Louis Vuitton”, He cho biết.

luohu-1-4773-1408468521.jpg

Một gian hàng túi xách trong Lowu Commercial City. Ảnh: Shenzhen Shopper

Theo khảo sát của SCMP, ít nhất 3 cửa hàng túi xách tại đây có in các mẫu túi của nhiều thương hiệu nổi tiếng, như Chanel. Mỗi chiếc túi nhái có giá 900 NDT (khoảng 3 triệu đồng). “Sản phẩm không có ở đây đâu, mà ở một xưởng gần đây cơ. Nếu cô thanh toán luôn, tôi sẽ gọi bên xưởng mang túi đến ngay”, một người bán hàng cho biết.

Hồi đầu tháng, cơ quan quản lý thị trường Thâm Quyến đã bắt giữ hàng nghìn túi xách và đồng hồ giả tại Luohu với tổng trị giá hơn 800.000 USD. Những chiếc Rolex giả được đóng gói y như thật, có cả mã bảo hành và sách hướng dẫn sử dụng. Mã này được in trong mặt số và khung đồng hồ. Vì thế, người mua có thể biết đó là hàng giả nếu các mã không khớp nhau.

Tuy nhiên, một số đồng hồ còn có mã thật, Shenzhen Daily cho biết. Và để phân biệt, khách hàng sẽ phải so sánh các thông tin chi tiết hơn, như ảnh và thông số trên website của hãng.

Trong một số trường hợp, người bán thậm chí còn làm giả hóa đơn mua hàng, dấu niêm phong điện tử, mã QR của các cửa hàng và trung tâm mua sắm. Việc này cũng có nghĩa chỉ các chuyên gia mới có thể kiểm nghiệm đây có phải hàng giả hay không.

Ví dụ, một hóa đơn lô đồng hồ giả có dấu niêm phong điện tử của một cửa hàng trang sức - đồng hồ tại Hong Kong, nhưng tên cửa hàng bằng tiếng Anh lại bị ghi sai chính tả. Trong trường hợp khác, một chiếc túi Chanel và hai chiếc Hermes có giấy tờ ghi là mua tại Hong Kong và Singapore, nhưng khi quét mã QR lại ra cùng một cửa hàng.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đầu năm nay cũng ra báo cáo nhận xét Trung Quốc đã có nỗ lực trong việc kiểm soát hàng nhái. Tuy nhiên, tại Lowu vẫn còn hàng chục gian hàng kinh doanh hàng giả, cả công khai và bí mật. “Các thông báo cấm bán hàng nhái tại đây được cho là không thực sự hiệu quả”, báo cáo này cho biết. Luohu cũng được USTR đưa vào danh sách những thị trường hàng giả khét tiếng nhất thế giới (Notorious Market List) năm 2013.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích