Hà Nội có chợ... Chửi
Bình luận bài viết "Hàng chảnh Hà Thành: Đuổi khéo khách mặc váy xấu", độc giả kể thêm những câu chuyện bi hài về cái cách bán hàng kiểu bất cần “Thượng đế” chỉ có ở Việt Nam.
Ngọc Lan (chelsea_fan_510@...com) bức xúc: “Mình làm về công nghệ thông tin nên lúc nào cũng kè kè ba lô đựng laptop chứ không xài túi xách như mọi người, lại có sở thích đi bus lượn lờ phố xá. Thế nên, có lần vào một hàng giày trên phố Phạm Ngọc Thạch, ông chủ nói thẳng luôn ‘hàng này là hàng đắt tiền đấy, cháu không đủ tiền mua đâu’. Vào gian hàng bên cạnh, chỉ hỏi ‘hàng này là hàng Việt Nam hay Trung Quốc hả cô’ thì bị gắt um ‘Mua thì mua, không mua thì thôi chứ không có quyền hỏi thế nhé".
Không chỉ các cửa hàng thời trang, mà khi đi ăn, thực khách cũng bị nhà hàng phân biệt đối xử. Mrs. Hà (vnwriterhatran@...com) cũng bực không kém khi một lần đi ăn bằng xe đạp.
“Mình được bạn là Việt kiều mời ăn ở một nhà hàng trên phố Huế. Bạn đi xe BMW, mình đi xe đạp (nhà mình gần, vả lại trời mát, mình nghĩ đi xe đạp tiện thể rèn luyện đôi chân). Bảo vệ nhà hàng đuổi không cho mình dựng xe vào chỗ gửi xe của họ. Bạn mình thấy thế phải lên tiếng. Sau đó, vì mất hứng với nhà hàng, bọn mình kéo nhau đi chỗ khác ăn, từ đó không bao giờ quay lại đó nữa”, Hà kể.
Nhân viên bán hàng nhiều nơi ở Hà Nội chưa được đào tạo bài bản (ảnh minh họa - TBKTSG) |
Độc giả Nguyễn Tình Nguyện (ye6nthe166@...com) thì cho hay, ở Hà Nội, một số cơ quan khác cũng phân biệt giàu nghèo. “Một lần, tôi đến chi nhánh Ngân hàng Q. ở đường Lý Nam Đế để nộp tiền vào tài khoản. Thấy tôi ăn mặc bình dân, mấy cô nhân viên làm ngơ, trả lời cộc lốc. Trong lúc đó, một người thanh niên đi xe hơi, ăn diện bảnh bao được săn đón như thượng khách”?
Thậm chí, ở Hà Nội còn có cả một chợ mang danh xấu: chợ Chửi. Độc giả Vũ Kim Nga (russia@...com.vn) cho hay nếu đã vào chợ Ngã Tư Sở ở Hà Nội thì nghe chửi là chuyện thường. Khách hỏi mà không mua là bị chửi. Ấy vậy mà bao năm, chợ vẫn tồn tại, cơ quan quản lý chợ cũng kệ.
Chuyện săm soi, nhìn quần áo, phong thái khách để bán hàng, rõ ràng, đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều cửa hàng ở Hà Nội. Nhiều người nhận xét, “phong cách phục vụ đuổi khách đã hình thành từ thời bao cấp”.
Thế nên, độc giả Hùng Văn (hungnguyenvan1958@...com) khuyến cáo đi mua hàng, nếu muốn được kính trọng, “hãy ăn mặc hoành tráng, đi đứng hiên ngang, nói oang oang ầm ĩ, nhân viên sẽ tiếp bạn long trọng. Không cần biết bạn là ai, những người bán hàng, cả chủ và người làm thuê, sẽ nhìn bạn như hành khất nếu bạn ăn mặc tuềnh toàng, nói năng lại lễ phép”.
Và có độc giả còn mời khách hàng đến Sài Gòn. “Ở đây dù bạn giàu hay bạn nghèo, dù bạn sang hay chưa sang, một khi bạn là khách hàng, bạn sẽ là Thượng đế”.
“Cái áo không làm nên thầy tu”
Trên thực tế, có phải cửa hàng nào ở Sài Gòn cũng coi khách hàng là “Thượng đế”?
Độc giả Le Thuy (hoanthuyus@...com) nói rằng bạn cô làm ở một showroom hãng Lexus (quận 1) kể có hai vợ chồng vào mua xe. Họ ăn mặc như nông dân, chân đi dép lê. Thế nhưng, họ mang theo một bịch tiền và đặt cọc mua 2 chiếc Lexus hạng sang, giá 6 tỷ mỗi chiếc. Họ bảo mua cho lính chạy, thi thoảng đưa đón khách hàng và cho gia đình dùng.
“Đó là những ông bà chủ nhưng không phô trương, thế này này mà ra Hà Nội mua chắc mới đến cổng đã bị bảo vệ mời ra. Thế mới biết giá trị con người không phải là vẻ ngoài hoàng nhoáng”, cô kết luận.
Nhiều cửa hàng vắng tanh nhưng khi khách đến mua vẫn hờ hững |
Dân tình hẳn chưa quên chuyện nông dân ở "cù lao tỷ phú" Tân Lộc thuộc huyện Thốt Nốt, Cần Thơ cách đây mấy năm đua nhau mua xe sang. Đại gia Phạm Văn Phương nhớ lại chuyện ông cùng hai tỷ phú khác mặc quần đùi đi mua xe tại một showroom ở Cần Thơ. Nhân viên bán hàng thấy khách ăn mặc lôi thôi, lếch thếch muốn đuổi nhưng vì lịch sự, chỉ hờ hững ậm ừ. Chốt lại, ba ông nông dân bị chạm tự ái, chồng lên bàn 3 cọc tiền đặt mua hẳn 3 chiếc xế sang.
Hay một đại gia Sơn La nói tiếng Kinh chưa sõi, ăn mặc tuềnh toàng lái xe một mạch từ miền rừng núi về Hà Nội đăng ký mua một lúc mấy căn hộ cao cấ,p giá 5 tỷ đồng/căn. Thấy vậy, nhân viên tưởng khách đùa. Chẳng nói chẳng rằng, đại gia này đi ra chiếc xe hạng sang đỗ ngoài cửa, bê vào 2 bao tải tiền đặt lên bàn.
Đó hẳn là những bài học nhãn tiền dạy người làm dịch vụ cung cách chăm sóc khách hàng. Song, rõ ràng, ở đâu đó còn có cửa hàng còn coi thường khách, nhưng Sài Gòn vẫn làm dịch vụ tốt hơn hẳn.
Theo độc giả có email: cuoigia2000@...com, ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, người bán tôn trọng khách hàng. Khách không mua vẫn niềm nở giới thiệu, vì khách không mua hôm nay có thể mua hôm khác, hoặc giới thiệu người khác tới mua. Người ta không đánh giá qua giầy ngoại hay dép lê, xe đạp hay xe sang, coi khách hàng là Thượng đế.
“Có lần tôi vào chợ Dân Sinh tìm mua vài con ốc vít loại ít người dùng, chỉ có ở chợ bán sỉ (bán buôn). Thấy tôi mua ít người bán vui vẻ nói anh lấy mà xài, khi nào mua nhiều nhớ đến đây, không lấy tiền”, độc giả này kể.
Tuy nhiên, có độc giả cho hay, lỗi cũng một phần từ khách hàng. Người mua hãy tôn trọng bản thân trước thì người bán sẽ cư xử đúng mực. “Đầu tóc bù xù, áo quần nhầu nhĩ, dép lê lẹt xẹt mà vào cửa hàng đắt tiền thì 90% là họ chỉ đến xem cho biết chứ không mua. Nghĩ xem bạn là nhân viên bán hàng thì liệu có cư xử khác không? Đối tượng của rất nhiều nhãn hàng là khách giàu và sang. Do đó, nếu khách đến chỉ giàu thôi thì họ miễn cưỡng phục vụ là điều dễ hiểu” - một độc giả bình luận.
Theo VEF