Rau diếp cá có tên khoa học là Houttuynia cordata, họ lá giấp Saururaceae, thường mọc ở những nơi ẩm ướt. Loại rau này không chỉ được dùng làm gia vị trong món ăn mà còn dùng trong Đông y để chữa các bệnh về tiêu hóa, bệnh trĩ, sởi, đau mắt đỏ… |
Do nhu cầu rộng, được tiêu thụ ở các tỉnh vùng ĐBSCL và TP.HCM với giá ổn định, chi phí đầu tư thấp nên nhiều hộ nông dân ở miền Tây gần đây đã chuyển ruộng sang trồng rau diếp cá. |
Ông Nguyễn Văn Hưng ở ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An, thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long có hơn 10 năm trồng rau diếp cá cho biết, rau này rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chỉ cần tưới nhiều nước, mỗi ngày người trồng phải tưới từ 3-4 lần. |
Diếp cá có thời gian từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3 tháng, nhưng thu được nhiều lần. Sau đợt thu hoạch đầu tiên, cứ cách nhau 2 tháng sẽ cho thu tiếp theo. Bình quân năng suất từ 2,7 đến 3 tấn/công/đợt, với giá bán lúc cao nhất 20.000 đồng/kg, lúc thấp cũng trên 3.000 đồng/kg. Theo ông Hưng, nhiều nông dân ở xã Thuận An chuyển từ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau diếp cá, lợi nhuận đem lại gấp 5 đến 6 lần trồng lúa, trừ chi phí lãi từ 20 – 30 triệu đồng/công/đợt. |
Chi phí cho mỗi công diếp cá khoảng 3 triệu đồng/công/đợt. Mỗi năm, người trồng diếp cá có thể thu hoạch 6 đợt. |
Ông Hưng chia sẻ, trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn do đất trồng lúa nhiễm phèn, ông đã chuyển ruộng sang trồng diếp cá và có thu nhập rất ổn định. |
Ông Bùi Văn Thưa, trồng 3 công rau diếp cá cũng cho biết, trước đây, ao của ông dùng ươm cá giống bán cho các hộ nuôi trong vùng, nhưng giá cả không ổn định nên luôn trong tình trạng lỗ vốn. Ông đã lấp ao trồng diếp cá. Hiện mỗi ngày, với 4 công rau, ông thu hoạch từ 300 – 500kg. |
Một trong những hộ trồng rau diếp cá với số lượng lớn và thu nhập cao là ông Nguyễn Văn Hà ở ấp Thuận Phú B, xã Thuận An. Với diện tích 10 công diếp cá, mỗi ngày ông cung ứng 2,5 đến 3 tấn cho bạn hàng ở các chợ đầu mối TP.HCM. Chỉ riêng loại rau này, mỗi năm gia đình ông có thu nhập gần nửa tỷ đồng. |
Người chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật có thể thu hoạch đến 20 năm mới phải trồng lại gốc mới. |
Rau sau khi thu được bó thành những bó 1kg để cung ứng cho thương lái ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. |
Ông Phạm Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, rau diếp cá là loại cây trồng chủ lực của xã vì đem lại nguồn thu nhập cao. Nhiều hộ trồng thoát nghèo từ loại rau này. Hiện diện tích diếp cá của toàn xã khoảng 10 ha, nhiều gia đình đầu tư hệ thống tưới tự động để mở rộng diện tích, tiết kiệm chi phí tưới, chăm sóc. |
Theo Zing