Chuyên gia nông nghiệp: Táo không thể để 9 tháng trong điều kiện thường

Thứ sáu, 03/10/2014, 07:56
Cảnh báo về loại chất diệt cỏ độc hại có thể được dùng bảo quản hoa quả, nhiều chuyên gia nông nghiệp khẳng định, táo hay các hoa quả khác không thể để được 9 tháng mà không hỏng. Quả táo tẩm phoóc môn có thể để được tới 2 năm, nhưng sau đó không ăn được.

Tiến sĩ Trần Thị Mai, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, khẳng định: "Chưa có tài liệu nào cho thấy táo để trong điều kiện bình thường, nhất là ở điều kiện gió mùa nhiệt đới ẩm như Việt Nam lại 9 tháng không hỏng".

Bà Mai cảnh báo về loại hóa chất độc hại thường được sử dụng nhiều trong bảo quản hoa quả là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào trái cây với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn, giúp lớp bọc bên ngoài xanh mơn mởn.

"Chất bảo quản độc hại này có thể giúp trái cây tươi lâu, nhưng rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng", bà Mai nói. Còn những chất bảo quản an toàn được phép sử dụng thường không thể giúp trái cây nguyên vẹn trong 9 tháng, cần nhiều biện pháp tổng hợp mới có thể làm được.

Nhiều người dân cho rằng, táo để trong điều kiện bình thường mà táo không hỏng là điều bất thường. Ảnh: Hà My.

Nhiều người dân cho rằng, táo để trong điều kiện bình thường mà không hỏng là điều bất thường.

Đồng tình quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận định, trong điều kiện bình thường tức là điều kiện con người đang sống thì không quả nào bảo quản được trong 9 tháng, cũng không có hóa chất hay phương pháp công nghệ thông thường nào để trái cây trong 9 tháng mà không hỏng.

Theo nhà khoa học này, phương pháp đang được các nước phát triển ứng dụng bảo quản là trong môi trường âm 60 độ C, hoa quả có thể để được một năm, nhưng chỉ áp dụng với các loại quả đặc biệt quý hiếm. Muốn bảo quản hoa quả, nhà sản xuất và người kinh doanh phải tiêu diệt hoàn toàn hoạt động sống của tế bào trong quả; tiêu diệt loại côn trùng ký sinh như sâu đục thân và diệt được các vi sinh vật có khả năng xâm nhập từ thành quả vào bên trong.

"Nhưng hiện nay không có hóa chất nào làm được ba việc trên. Việc sử dụng phoóc môn có thể bảo quản quả trong 1-2 năm, nhưng sau đó con người không ăn được", ông Thịnh khẳng định.

Một phương pháp bảo quản hoa quả nữa được ông Thịnh dẫn ra là chiếu xạ đâm xuyên qua quả để tiêu diệt hết vi sinh vật có sự sống. Nhưng nếu chiếu ở nồng độ thấp thì chỉ có tác dụng ức chế, tức là khiến vi sinh vật phát triển chậm, giúp kéo dài thời gian bảo quản. Nếu chiếu ở nồng độ cao thì con người lại không thể ăn được vì quả đã bị nhiễm xạ. Vì vậy phương pháp này cũng ít người sử dụng.

TS Thịnh phán đoán, chiếu xạ có thể là phương pháp đang được sử dụng để khiến quả táo để được 9 tháng, lê để 5 tháng không hỏng như phản ánh của nhiều người thời gian qua. "Nếu giống táo hay lê tốt có thể cho quả để được lâu thì có lẽ thế giới không phải mất công đi tìm công nghệ bảo quản", ông Thịnh phân tích và cho hay ở nước ngoài, người ta chỉ duy trì hoa quả 1-2 tháng, tối đa là 3 tháng, vì nhà sản xuất hay kinh doanh nào cũng muốn bán hàng thật nhanh.

Tiến sĩ Trần Hồng Côn, chuyên gia về công nghệ hóa học, cũng nhận định trong nhiệt độ bình thường khó để hoa quả tươi lâu. Châu Âu họ có hầm lạnh dưới 12 độ C và giữ nhiệt độ ổn định nên có thể bảo quản táo trong thời gian dài để bán đến mùa năm sau. Cam ở Tây Ban Nha bảo quản theo cách gây sốc nhiệt, tức là sau khi thu hoạch để cam ở nhiệt độ thấp, sau đó để tế bào chết giấc rồi dùng loại mảng polime nhúng và phun để tạo màng, chống vi khuẩn, sâu bệnh xâm nhập, hạn chế quá trình hóa hơi nước ở trong ra thì có thể bảo quản tốt trong 6 đến 9 tháng.

Nhưng quá trình vận chuyển trái cây có thể bị thương tổn, như bị dập hay thủng màng chống vi khuẩn xâm nhập và sẽ nhanh hỏng hơn.

rauqua-3037-1412160738.jpg

Việc kiểm định rau quả ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc kiểm định, phân tích tìm hóa chất bảo quản trong hoa quả nhập khẩu, các chuyên gia đều chung quan điểm là khó có thể thực hiện vì chất bảo quản có đến hàng trăm dư lượng chất, trong khi điều kiện Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam cũng chưa có danh mục chất độc hại chung nên phải tìm hiểu mất thời gian và tốn kém. Theo ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có đến 2.000 loại hóa chất bảo quản nhưng Viện này mới kiểm nghiệm được 600 loại.

Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, đơn vị chưa kiểm nghiệm chính thức việc táo bảo quản được 9 tháng mà đó là phản ánh của người dân. Ông Hồng cho rằng, không phải hoa quả để được lâu tức là có hóa chất độc hại, mà điều này phụ thuộc vào các yếu tố, như: điều kiện bảo quản, giống cây, việc sử dụng các chất bảo quản an toàn theo nguyên tắc làm chậm quá trình chín.

Hiện Việt Nam đã thử nghiệm công nghệ CAS do Nhật Bản chuyển giao. Đây là công nghệ làm lạnh đột ngột trong môi trường từ trường. Áp dụng công nghệ này, Việt Nam có thể kéo dài thời gian bảo quản quả vải và các loại trái cây khác được nhiều tháng mà vẫn giữ được chất lượng như ban đầu.

"Thời gian tới, việc áp dụng công nghệ này sẽ hứa hẹn đem lại triển vọng cho việc xuất khẩu trái cây sang nhiều nước, mà trước đây chúng ta hay bị điệp khúc được mùa, mất giá và được giá thì mất mùa vì không rải vụ được và không bảo quản lâu được trái cây", ông Hồng nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, bằng nhiều biện pháp người ta có thể phân biệt được hoa quả vừa mới hái, hay đã có thời gian bảo quản dài. Trước hết, phải xem xét về yếu tố mùa vụ và giống hoa quả trồng, như táo từ New Zealand, Australia được nhập vào Việt Nam, cần biết thời gian thu hoạch bao giờ, thuộc giống táo nào. Căn cứ vào thời gian thu hoạch, giống hoa quả và thời gian có ở trên thị trường, người tiêu dùng sẽ biết loại táo đó được bảo quản hay không và thời gian là bao lâu.

Một yếu tố khác có thể nhận biết là vấn đề chất lượng. Quả giữ được thời gian quá dài thì hương vị sẽ bị giảm sút, ăn không giống như lúc mới thu hái. Đối với các loại quả, người ta không đưa ra một hạn sử dụng nào cả. Khi nào sản phẩm bị hỏng, người tiêu dùng nhận biết được là phải loại bỏ. Trong siêu thị, khi thấy quả có thời gian bảo quản dài, có nguy cơ hỏng thì người ta sẽ hạ giá bán, nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi tại sao táo Australia, táo New Zealand, Mỹ… lại rẻ hơn táo Trung Quốc, bởi đã đến lúc người ta phải bán, kéo dài thêm nữa thì nó sẽ hỏng.

Theo VnExpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn