Do hiệu quả kinh tế cao nên gần đây, nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang đã ồ ạt trồng cây mít thương phẩm. Chỉ tính riêng 2 huyện Cai Lậy và Cái Bè đã có gần 2.000 ha mít. Nhiều nhà vườn còn đốn phá những vườn cây kém năng suất như nhãn, chuối, cam sành... để trồng cây mít. Đa số bà con chọn giống mít Thái siêu sớm, tuy chất lượng thấp nhưng chỉ gần 2 năm cho trái nên thời gian cho thu hoạch nhanh.
Ở thời điểm này, giá mít Thái siêu sớm dao động từ 10.000- 12.000 đồng/kg, có lúc tăng trên 20.000 đồng/kg nên cho lãi cao hơn các loại cây ăn quả truyền thống của địa phương.
Tuy nhiên, loại cây trồng này đang bị nhiều loại sâu bệnh tấn công, nhất là sâu đục thân, đục trái, bệnh đốm trắng, bệnh thối trái, thối hoa...phải tốn hao chi phí cho phân, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu giá mít rớt dưới 7.000 đ/kg thì người trồng mít bị thua lỗ.
Theo ngành chuyên môn, trồng mít ồ ạt theo “phong trào” như ở Tiền Giang tiềm ẩn rủi ro rất cao khi cung vượt cầu. Tuy vậy, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn.
Ông Trịnh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn xã có 200 ha cây mít, chiếm 30% tổng diện tích cây ăn quả của địa phương.
“Đây là phong trào của người dân, chính quyền không khuyến khích. Người dân thấy vùng mình trồng được, giá cả chấp nhận được nên đua nhau trồng mít. Chính quyền có phân tích nhưng nông dân vẫn phát triển trồng loại cây này không có cách nào ngăn cản được”, ông Hoàng lý giải.
Theo VOV