“Rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra khi dùng thực phẩm chức năng, cụ thể là collagen trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Nghiêm trọng hơn cả, các chất độc hại trong đó có thể khiến các tế bào trong cơ thể bị biến đổi và làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan nội tạng như gan, thận, tiêu hóa”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cảnh báo như trên, sau khi lực lượng chức năng TP. Hà Nội bắt giữ 10 tấn hàng giả thực phẩm chức năng, trong đó có collagen giả.
Tràn lan collagen “xách tay”
Ngày 24/1, sau khi kiểm tra một xe ôtô trên phố Trần Khát Chân, P.Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, lực lượng chức năng Công an TP. Hà Nội đã tiếp tục khám xét khẩn cấp năm kho hàng tại chợ đầu mối Lim, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) và ba điểm “sản xuất” thực phẩm chức năng (TPCN), thu giữ khoảng 10 tấn TPCN giả sản phẩm (SP) sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen... của các thương hiệu nổi tiếng. Chủ hàng khai nhập hàng từ Trung Quốc, sau đó đóng hộp, dán nhãn mác, “phù phép” thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu rồi tung ra các chợ, cửa hàng.
Thời gian qua, nhiều chị em đã rủ nhau mua collagen về uống để kéo dài sự thanh xuân cho làn da, nhưng họ lại không quan tâm nguồn gốc SP. Những nhãn hiệu đang được quảng cáo nhiều trên các mạng là Shiseido, Mejii Amino, Avon, Hanami, Transino (Nhật), Costar, Amex, Rebirth (Úc), NuHealth, Now@, Neocell, ResVitále (Mỹ), Wrinkle (Hàn Quốc)...
Cả người bán nhiều khi cũng không hiểu hết về SP collagen mà mình đang kinh doanh. Chị Diệu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) khoe mới mua được túi collagen dạng bột, hàng xách tay từ Mỹ về. “Rất đơn giản, chỉ cần cho một muỗng vào cà phê và uống mỗi sáng, nghe nói loại xách tay này tốt lắm, uống vào da sẽ căng đầy”, chị hào hứng.
Người mua cần thận trọng vì collagen rất hay bị làm giả dưới mác "hàng xách tay" - ảnh minh họa |
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện collagen được bán nhan nhản khắp nơi, ở rất nhiều kênh khác nhau, phổ biến nhất là dạng “hàng xách tay”. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) có đến ba cửa hàng bán collagen cả dạng viên, bột lẫn nước. Dạng viên, bột được người bán giới thiệu xách tay từ Mỹ, dạng nước từ Nhật. Giá mỗi SP dao động từ 500.000 đến trên một triệu đồng.
Một cửa hàng trên đường Thạch Lam (Q.Tân Phú, TP.HCM) chuyên bán collagen dạng bột đắp mặt nạ. Theo người bán thì hàng được xách tay từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, SP lại được đóng trong túi zip thông thường, mặt trước của túi được dán một nhãn chỉ có vài chữ tiếng Hàn ở trên cùng, còn lại là tiếng Anh mang nội dung hướng dẫn sử dụng. Hoàn toàn không có nhãn hiệu, tên và địa chỉ của đơn vị sản xuất hay mã vạch. Mỗi túi 100gr, giá chỉ 50.000 đồng.
Collagen còn được bán trong cửa hiệu gội đầu, spa. Tại một hiệu cắt tóc, gội đầu trên trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên vừa gội đầu mời chào collagen dạng đắp mặt và dạng viên uống xách tay từ Úc. Loại mặt nạ mỗi miếng 50.000 đồng; loại viên giá 1.000.000 đồng/hộp (300 viên). Cô này thuyết phục: “Collagen này chiết xuất từ da và sụn cá đại dương nên tốt lắm. Cứ mua dùng thử, nếu được thì mua tiếp”.
Quan sát cho thấy, loại mặt nạ ở đây cũng được đóng gói trong túi ni lông, không có thông tin về đơn vị sản xuất, chỉ thấy giới thiệu tính năng “chống lão hóa, săn chắc da…”. Loại hộp thì trông lòe loẹt, dù được ghi “made in Australia” nhưng không thấy mã vạch hay thời hạn sử dụng. Thực chất, những SP này có nguồn gốc từ đâu thì người tiêu dùng khó có thể biết được.
Tại hội thảo “TPCN dưới góc độ quản lý, sản xuất, tiêu dùng, phân tích kiểm nghiệm và đảm bảo sức khỏe” ngày 28/1/2015, bà Ngô Hoa Lư, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM cho biết: “Hiện Việt Nam có gần 10.000 SP TPCN với gần 1.800 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Lượng TPCN nhập khẩu chiếm đến 40% tổng sản lượng tiêu thụ trên cả nước. Riêng sáu tháng đầu năm 2014 có đến 43,73% (tương đương 1.974) cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm như: về sức khỏe, kiến thức, thực hành an toàn thực phẩm của người tham gia sản xuất, kinh doanh; về điều kiện vệ sinh cơ sở; hàm lượng dinh dưỡng không đạt như công bố…”.
“Trong năm 2013 - 2014, nhiều lô hàng được phát hiện có chứa các hoạt chất tân dược vốn chỉ được sử dụng để điều trị bệnh dưới sự kê toa của bác sĩ; hoặc những hoạt chất nguy hại cho người dùng như thủy ngân, asen cao vượt ngưỡng cho phép…” - BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết. Tuy nhiên, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc nhiều đến mức nào, nguy hại ra sao thì chưa có con số thống kê cụ thể.
Thực phẩm chức năng giả bị bắt ngày 24/1 tại Hà Nội |
Cẩn trọng khi chọn lựa collagen
TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, collagen vốn là một dạng protein nguyên thủy có nhiều trong da và mô xương động vật. Để trích ly hiệu quả và thu được nhiều, người ta cần dùng đến các chất hóa học như chất xút (NaOH) hay một số loại axít (điển hình như HCl). Để trích ly thành công và đồng thời loại bỏ những tạp chất độc hại trong quá trình sản xuất, cần đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại và quy trình công nghệ tiên tiến với chi phí cao.
Thực tế, nếu để làm giả thì chắc chắn không ai bỏ tiền đầu tư thiết bị và công nghệ. Mục đích lớn nhất của người làm hàng giả là lợi nhuận. Thế nên, rất nhiều khả năng, những SP collagen trôi nổi được sản xuất theo một quy trình bẩn cả từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến quá trình trích ly và phân phối. Điều nguy hại hơn cả là khi không được sản xuất theo quy trình “sạch”, SP sẽ chứa rất nhiều tạp chất, kim loại nặng. Nếu không may dùng phải những loại SP này, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
“Nếu dùng phải TPCN giả nói chung, collagen giả nói riêng, người dùng có thể gặp rất nhiều nguy cơ. Thứ nhất, có thể bị ngộ độc thực phẩm vì SP bị nhiễm vi sinh do điều kiện lưu trữ, bảo quản kém. Thứ hai, do TPCN được dùng hàng ngày và lâu dài nên người dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm mạn tính khi trong đó có chứa các chất không có lợi cho sức khỏe. Trường hợp xấu nhất, nếu trong TPCN có chứa kim loại nặng, nấm mốc thì sẽ làm tổn thương các tế bào, gan, thận, khiến chúng không lọc được chất độc, không đào thải được chất độc ra khỏi cơ thể. Người dùng vừa phải tốn tiền để mua TPCN mà còn tốn rất nhiều tiền để chữa bệnh do TPCN giả gây ra” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp phân tích.
ThS-BS Lê Thái Vân Thanh, bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết thêm: “Tôi đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị kích ứng da do dùng collagen dạng mặt nạ bột. Họ có đưa đến cho tôi xem cả SP dạng bột đắp mặt nạ, bột hòa nước uống, dạng viên nang… Họ cho biết mua hàng xách tay từ Mỹ, nhưng SP không hề có mã vạch quốc tế, hạn sử dụng, số lô SP. Tôi từng ghi lại tên và nhờ đồng nghiệp ở Mỹ tra giúp nhưng hoàn toàn không tìm được những nhãn hiệu như vậy”.
Các chuyên gia còn khuyến cáo, dù là hàng mua tại Mỹ thì cũng chưa chắc đã an toàn vì nhà chức trách của nước này vẫn nhiều phen bắt được những lô hàng kém chất lượng hoặc giả mạo. Do vậy, “TPCN không phải phù hợp cho tất cả mọi người. Nếu cần dùng và mua thì nên được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Chỉ nên mua SP có thương hiệu và tại các cửa hàng uy tín; luôn nhớ là không mua hàng trôi nổi” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp lưu ý.