Sáng nay 31/1, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch ở mức 35,37 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,41 triệu đồng/lượng đối với giao dịch lẻ (bán ra) và 35,37 triệu đồng/lượng - 35,4 triệu đồng/lượng đối với giao dịch buôn. Các mức giá này tăng khoảng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng, giao dịch lên mức 35,33 triệu đồng/lượng - 35,43 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi đang ở mức 33,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trong nước 2,3 triệu đồng/lượng, co hẹp tới 600.000 đồng/lượng so với hôm trước và giảm khoảng cách chênh lệch so với cuối tuần trước 400.000 đồng/lượng.
Trong tháng 1 này, giá kim loại quý có sự biến động đáng chú ý, đặc biệt là phiên ngày 21/1 giá tăng tới trên 300.000 đồng, lên 35,84 triệu đồng/lượng, là phiên biến động mạnh nhất trong nhiều tháng qua. Tính chung tháng đầu tiên của năm 2015 giá vàng tăng khoảng 250.000 đồng/ lượng; chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới co mạnh, từ mức 4,3 triệu đồng/lượng xuống 2,3 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, đóng cửa phiên cuối tuần, giá vàng giao ngày tăng tới 25 USD, lên 1.283,1 USD/ounce. Giá kim loại quý này tăng mạnh bởi kinh tế Mỹ trong quý 4/2014 tăng trưởng 2,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng của quý 3//2014 và thấp hơn dự báo.
Vì thế nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Ngoài ra, giá dầu đi lên cũng tác động đến giá kim loại quý này. Thông thường, giá vàng đi cùng chiều với giá dầu và ngược chiều với giá USD.
Với phiên tăng mạnh cuối tuần, trong tháng 1 của năm 2015, giá vàng đã ghi được 8%, sau quyết định bỏ trần tỷ giá cặp tiền tệ franc/euro của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB). Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương châu Âu cũng cho biết sẽ bơm thêm hàng tỷ USD vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, đồn đoán Fed nâng lãi suất trong năm nay, lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ, vẫn là lo ngại dài hạn đối với giá vàng.
Theo Dân Trí