Xăng có thể rẻ hơn nếu thuế môi trường không tăng

Thứ năm, 07/05/2015, 11:43
Nếu thuế bảo vệ môi trường vẫn là 1.000 đồng, thì giá xăng RON 92 có thể không phải tăng với mức kỷ lục như ngày 5/5.  

Xăng tăng kỷ lục hôm 5/5 do giá thế giới đột biến và thuế môi trường tăng mạnh. Ảnh: NM.

Từ khi chuẩn bị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp 3 lần lên 3.000 đồng một lít xăng, lãnh đạo Bộ Tài chính liên tục lập luận việc này không khiến giá xăng tăng. Đi kèm với lập luận đó, nhà điều hành cũng đưa ra lời hứa giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết với quốc tế. Theo cơ quan này, thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1/5 nhưng bù lại, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm từ 35% xuống 20% từ ngày 14/4. Đại diện Bộ Tài chính phân tích, số thuế nhập khẩu trên mỗi lít xăng giảm còn lớn hơn mức tăng thuế từ bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo tính toán của VnExpress, giá cơ sở xăng dầu vẫn có thể rẻ hơn từ 267 đồng đến 2.200 đồng so với hiện nay nếu thuế bảo vệ môi trường không tăng.

Trong vòng 15 ngày tính tới 4/5, giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới bình quân đạt 77,67 USD một thùng, tăng 14% so với kỳ liền trước. Với thuế nhập khẩu 20% và thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng một lít, giá xăng cơ sở là 20.673 đồng một lít. Sau khi tăng xả quỹ bình ổn, Liên bộ Tài chính Công Thương đã đồng ý cho tăng giá xăng bán lẻ trong nước với mức kỷ lục gần 2.000 đồng hôm 5/5 lên 19.230 đồng.

Giả sử với phương án thuế nhập khẩu 20% và thuế bảo vệ môi trường vẫn là 1.000 đồng, với mức giá 77,67 USD một thùng nói trên, giá cơ sở sẽ là 18.473 đồng, thấp hơn hiện tại 2.200 đồng.

Còn với phương án thuế nhập khẩu 35% và thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng như trước đây, giá cơ sở xăng RON 92 rẻ hơn 267 đồng.

Các kịch bản giá cơ sở xăng RON 92 nếu thay đổi thuế môi trường

Kịch bản Thuế nhập khẩu 35%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng Thuế nhập khẩu 20%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng (Hiện nay) Thuế nhập khẩu 20%, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng
Giá thế giới bình quân 15 ngày 77,67 USD/thùng 77,67 USD/thùng 77,67 USD/thùng
Giá cơ sở (mỗi lít) 20.406 đồng 20.673 đồng 18.473 đồng
Rẻ hơn so với giá cơ sở hiện nay 267 đồng - 2.200 đồng

Nguyên nhân chính khiến giá xăng tăng kỷ lục ngày 5/5 được liên bộ lý giải là giá thế giới tăng đột biến hơn 14%. Tuy nhiên, nhà điều hành không đề cập tới điều này khi cam kết giá xăng không tăng sau khi thu thêm thuế môi trường. Điều này một lần nữa cho thấy năng lực dự báo kém của cơ quan quản lý và cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chịu cú sốc mạnh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, giữa năm 2014, giá xăng dầu thế giới giảm kỷ lục, nhiều cơ quan dự báo giá sẽ phục hồi chậm trong năm 2015 và chỉ quanh ngưỡng 60-70 USD một thùng. Trước nguy cơ ngân sách Nhà nước hụt thu lớn từ xuất khẩu dầu và các dòng thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường để bảo vệ phần thiếu hụt. "Việc giá xăng dầu diễn biến ngược dự báo đã khiến nhà điều hành buộc tăng giá", ông Long lý giải.

Sau sự điều chỉnh này, giá cơ sở xăng dầu đang "cõng" 40% là các loại thuế và phí. "Nhà nước chỉ đặt mục tiêu là có nguồn thu ổn định. Cách điều hành như vậy chưa linh hoạt, chưa khách quan và chưa chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng", ông Long nhấn mạnh.

Infographic: Gánh nặng thuế trên giá xăng

Ngay cả khi thuế môi trường chưa tăng gấp 3 lên 3.000 đồng mỗi lít, các khoản thuế đã chiếm gần một nửa trong cơ cấu giá xăng bán lẻ hiện nay.

Theo một chuyên gia kinh tế, biến động giá xăng dầu thời gian tới vẫn còn là ẩn số vì bên cạnh yếu tố cung cầu, mặt hàng này còn chịu ảnh hưởng của các biến động chính trị. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay chưa có một cơ quan dự báo độc lập về giá dầu mà chủ yếu dựa vào những phân tích của các tổ chức khác. "Cốt lõi là dự báo phải chính xác để có những điều hành hợp lý hay trong một số thời điểm có thể mua xăng dầu dự trữ. Việc điều hành cũng phải linh hoạt giữa các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn sao cho phù hợp lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng", vị này bày tỏ.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích