Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giá xăng tăng 30% là hợp lý

Thứ hai, 25/05/2015, 08:05
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong lúc giá thế giới tăng mạnh thì việc giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng 30% so với thời điểm thấp nhất là hợp lý…  

Khẳng định này được người đứng đầu ngành tài chính đưa ra trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 24/5.

Thuế môi trường không làm giá xăng tăng

Trước băn khoăn của người dân về chuyện giá xăng đã tăng lần thứ 3 kể từ đầu năm, với mức tăng tổng cộng tương đương 30%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, “giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng 30% là hợp lý”.

Lý giải được tư lệnh ngành tài chính đưa ra, là do giá xăng dầu thế giới thời điểm thấp nhất là tháng 2/2015 giá lúc đó là 43,9 USD/thùng; ngày 21/5 là 60,72 USD/thùng… Tổng cộng mức tăng giá xăng dầu thế giới so với thời điểm thấp nhất (tháng 2/2015) là 38,3%. Do đó, mức tăng giá xăng trong nước vẫn thấp hơn mức tăng của giá thế giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định giá xăng tăng là hợp lý

Bộ trưởng Dũng cũng “bác” quan điểm cho rằng, việc tăng mạnh giá xăng vừa qua là do tác động từ tăng thuế môi trường đối với mặt hàng này lên 300% (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) từ ngày 1/5.

Theo lập luận của Bộ trưởng, trước tiên việc tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu là do “chúng ta phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về thuế suất nhập khẩu trong đó có xăng dầu”. Tuy nhiên, để tránh tác động quá lớn từ việc tăng thuế này, ngay từ 15/4 Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế suất, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20%.

Giá xăng bán lẻ trong nước đã tăng tổng cộng 30% kể từ đầu năm tới nay

“Theo tính toán của chúng tôi, số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% lớn hơn số tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1000 đến 2000 đồng. Do vậy, công cụ điều hành của chúng ta về thuế đã phát huy tác dụng và có tác động giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước trong thời gian vừa qua”- Bộ trưởng khẳng định. 

Giá sữa Việt Nam cao hơn khu vực

Liên quan tới quyết định tiếp tục áp trần giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết năm 2016, Bộ trưởng Dũng nói thêm, dữ liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy hiện giá bán sữa của Việt Nam vẫn đang cao hơn một số nước trong khu vực. Ví dụ, giá bán trung bình trên kilogram của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 – bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam là 16 USD/kg; trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg; Malaysia là 10,9 USD/kg và Indonesia là 9,5 USD/kg…

“Doanh nghiệp là phải cạnh tranh, mà đã cạnh tranh là phải cùng tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã thì phải lấy giá cả để làm tiêu chuẩn cạnh tranh. Có như thế người tiêu dùng mới được hưởng lợi. Áp trần giá sữa nhưng chúng ta không đi ngược lại cam kết quốc tế và chúng ta tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp cũng phải thấy rằng tự do kinh doanh nhưng phải trong khuôn khổ, giới hạn của pháp luật”- ông Dũng quả quyết.

Về chuyện các hãng sữa sau khi đăng ký giá trần đã tung ra sản phẩm thay đổi nhãn mác, bao bì để tăng giá bán, Bộ trưởng Dũng khẳng định, cho tới thời điểm này Bộ chưa phát hiện có sản phẩm nào có hiện tượng thay đổi mẫu mã mà các thành phần vi chất dinh dưỡng giống nhau hoàn toàn mà doanh nghiệp đã tăng giá lên

Theo quy định thì giá tối đa sữa được xác định tương ứng với chủng loại, chất lượng và trọng lượng trong từng sản phẩm sữa. Trong trường hợp có thay đổi về mẫu mã, có thay đổi các yếu tố thành phần dinh dưỡng thì giá tối đa sẽ được xác định mới cho phù hợp. Nghĩa là có sản phẩm mới ra thì phải xác định giá tối đa mới cho phù hợp và các hãng sữa vi phạm quy định này thì sẽ bị thanh tra, kiểm tra và nguyên nhân sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn