Hạt bo bo trở lại

Thứ năm, 16/07/2015, 16:18
Những ai sống qua những năm 70, 80 của thế kỷ trước hẳn đều biết tới hạt bo bo, thứ gợi lại một thời khó khăn đói kém, khi người dân phải ăn hạt này thay cơm. Nhiều người vẫn chua chát “đi vào thế nào, đi ra thế ấy”, nghĩa là khó mà tiêu hóa nổi loại hạt mà nhiều nước chỉ dùng làm thức ăn gia súc. Nhưng nay hạt bo bo trở lại Việt Nam với một tư thế khác.
Hằng ngày, kỹ sư Trương Quốc Việt vẫn ghi chép, theo dõi sự sinh trưởng của giống cây bo bo.

Giữa trưa nắng, kỹ sư Trương Quốc Việt, sinh năm 1990, xắn quần ra ruộng chăm chú ghi chép theo dõi tiến độ sinh trưởng của giống cây bo bo. Mỗi mẫu trồng thử nghiệm là một loại giống nên phải ghi chép cẩn thận để so sánh. Mặc dù giống cây bo bo là loại chịu hạn, chịu úng rất tốt nhưng để cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao nhất thì vẫn phải chú ý nước, phân bón…

Siêu cao lương gần 80 tấn/ha

Cây bo bo (sorghum) hay còn gọi là cao lương, lúa miến, trông xa khá giống cây ngô, thân cây vừa hao hao thân ngô vừa giống thân mía, nhưng thay vì cho bắp, cây ra bông và cho hạt.

Tôi đã từng thấy ở ĐBSCL, một số người trồng bo bo để lấy hạt nuôi gà. Có người dùng hạt bo bo câu cá mè trên sông Tiền. Hạt bo bo màu tía, to cỡ hạt đậu.

Nói về giống cây bo bo đang trồng thử nghiệm, kỹ sư Lê Thị Tuyết Nga, trưởng trạm khảo nghiệm và hậu kiểm giống cây trồng Đông Nam bộ (thuộc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện trạm đang chú ý đến giống VN 1401 được trung tâm triển khai trồng thử nghiệm gần hai năm nay.

So với những loại giống khác cùng độ tuổi thì loại này có chiều cao vượt trội, năng suất cũng hơn hẳn. Theo quy định, bất cứ giống mới nào cũng phải trải qua quy trình trồng khảo nghiệm, do các cơ sở của Bộ Nông nghiệp thực hiện trước khi được đưa tới tay nông dân.

Kỹ sư Nga nói, việc trồng giống cây bo bo này cũng có nhiều điểm khác trồng ngô: Mỗi hốc chỉ bỏ một hạt và cách nhau 15cm, mật độ dày hơn. Lượng phân bón cho cây này cũng nhiều hơn những loại cây khác. Tuy nhiên, vòng đời cây bo bo là một năm, thu hoạch được nhiều lần. Nhưng để đảm bảo năng suất thì chỉ nên thu hoạch đến lần thứ ba.

Nếu gieo vào mùa khô thì sau hai đến ba tháng cây đã cao gần 2m5, có thể thu hoạch lần đầu, cho năng suất gần 60 tấn/ha. Sau đó tiếp tục bón phân, chăm sóc, cây tiếp tục sinh trưởng, cao gần 3m và sau ba tháng bắt đầu thu hoạch đợt hai, cho năng suất tương tự lần đầu.

Đến lần thứ ba, bắt đầu vào mùa mưa nên cây phát triển cực tốt. Chiều cao lên đến 5m30 chỉ sau ba tháng, cho năng suất cực đại gần 80 tấn/ha. Có lẽ vì lý do này nên người ta còn gọi các giống này là siêu cao lương. Tại trạm khảo nghiệm (xã Sông Xoài, Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu), người ta đang trồng khảo nghiệm 21 loại cao lương được nhập từ Nhật Bản.

Điểm đặc biệt của các giống cao lương này là khi đổ thì những phần thân tiếp đất sẽ mọc ra rễ mới, cây bắt đầu đứng thẳng lên từ vị trí đã bị đổ ngã. “Cây chịu hạn, chịu úng rất tốt. Mưa ngập lút, “ảnh” ló đầu lên, người “ảnh” dơ tèm lem hết nhưng vẫn vươn lên khỏi mặt nước. Vậy là tiếp tục sinh trưởng. Ngô là cây có khả năng chịu hạn tốt, nhưng cao lương còn chịu hạn tốt hơn”, chị Nga nói. Ngoài năng suất cao, cây còn cho bông, hạt nhiều. Có cây có bông nặng hơn ba lạng.

Triển vọng bo bo

Ông Nguyễn Thái Sơn, Tổng giám đốc Cty Sol Holdings Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) cho biết, vào ngày 9/6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận và đưa giống cây bo bo của công ty vào danh mục giống cây trồng mới ở Việt Nam

Bông cây bo bo.
Điều này cho phép công ty có thể trồng rộng rãi giống cây này ở nhiều nơi trên cả nước. Trong hai năm qua, công ty đã trồng thử nghiệm ở Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Kết quả thử nghiệm cho thấy loại cây này thích ứng với điều kiện tự nhiên ở Việt Nam. Người dân cũng có thể mua về trồng trọt để phục vụ cho mục đích nông nghiệp.

Ông Sơn cho rằng, thực tế giống cây trồng này không xa lạ gì đối với các nước trên thế giới. Bo bo là một trong nhóm bốn cây lương thực chính trên thế giới. Cây bo bo có sinh khối lớn, tạo ra nguồn thức ăn lớn, tăng trưởng rất nhanh. Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi mà ngành nông nghiệp, chăn nuôi vẫn đang đóng vai trò quan trọng.

Nhu cầu thức ăn cho gia cầm, gia súc trong vài năm tới là rất lớn. Do đó, cây bo bo sẽ đáp ứng nhu cầu cho hiện tại và cả tương lai, dần dần thay thế những loại cây làm thức ăn phổ biến như ngô.

Hơn nữa, hiện nay nhu cầu sử dụng thịt bò ở một số nước trên thế giới rất cao, trung bình 11kg/người/năm. Còn ở Việt Nam thì chỉ khoảng 1kg/người/năm. Trong tương lai, nhu cầu sử dụng thịt bò của người Việt sẽ tăng lên. Do đó, ngành chăn nuôi bò cũng phát triển, kéo theo nhu cầu sử dụng nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.

Ngoài việc dùng làm thức ăn gia súc, một số giống bo bo có thể làm nguyên liệu chế ethanol hay nhiên liệu sinh học, viên nén…

Nói về kế hoạch đảm bảo bao tiêu ra thị trường, ông Sơn khẳng định, công ty không phải là nhà cung cấp giống cây trồng một cách đơn thuần mà sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân đảm bảo đầu ra. Tất nhiên, việc này công ty không thực hiện đại trà, mà sẽ thí điểm, tập trung ở một số nơi có tiềm năng để thăm dò thị trường.

Ông Sơn cho biết, công ty là nhà cung cấp hạt giống cây bo bo độc quyền ở Việt Nam. Do đó, nếu doanh nghiệp, người nông dân muốn trồng loại cây này để phục vụ chăn nuôi sẽ liên hệ với công ty để mua giống, hướng dẫn trồng và thu hoạch. Công ty cũng sẽ xem xét khả năng của họ để kí hợp đồng bao tiêu đầu ra.

Để tránh chuyện trồng ồ ạt, người nông dân không có đầu ra, công ty sẽ không bán giống, không ký kết hợp đồng đại trà.

Ngoài ra, công ty sẽ thành lập nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và viên nén sinh học đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Nhật. Sau đó mới tính đến bước tiếp theo là xuất khẩu sang các nước khác. Trong thời gian tới, nếu nhu cầu thị trường cao, công ty sẽ thành lập nhà máy sản xuất hạt giống cây bo bo ngay tại Việt Nam để đảm bảo nguồn giống cung cấp cho người trồng.

Tuy nhiên, cũng như cây mắc-ca (macadamia), giống cây mới này cũng khiến một số chuyên gia e ngại. Phát biểu trên một tờ báo gần đây, một quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, siêu cao lương được xem là cây trồng siêu năng suất, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nếu mở rộng sản xuất, nông dân trong nước sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài từ khâu giống đến khâu tiêu thụ.

Theo ông Phạm Văn Dư - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, đây là điểm mấu chốt, quyết định sự thành bại của một đối tượng sản xuất. “Hiện tại, NTS Partner là công ty độc quyền phân phối giống siêu cao lương của Sol Holdings tại Việt Nam, việc tiêu thụ cũng chỉ do Sol Holdings hứa sẽ bảo đảm”, ông Dư nhận định trên báo Dân Việt.

Cùng chia sẻ những lo ngại ấy nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng, trên thế giới đang có khuynh hướng tìm nguồn thay thế cho một số cây cơ bản như mía, ngô và cao lương là một loại cây như thế. Theo GS Xuân, cần lưu ý bởi nguồn đầu ra là rất khó khăn. “Việt Nam hiện nay thì đang chỉ có nguồn cung hạt để trồng nhưng trồng xong thì có ai mua? Do đó khi trồng thì nông dân cần phải chú ý doanh nghiệp nào ký hợp đồng bao tiêu đầu ra. Trồng rồi mà không có ai mua thì coi như người nông dân phá sản”, ông nói.

Trước cái mới cần thận trọng nhưng không có nghĩa là phải khép lại cơ hội và trách nhiệm của ngành nông nghiệp là đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho nông dân cũng như làm bà đỡ cho sự phát triển. Và dù thận trọng nhưng GS Võ Tòng Xuân, vị chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trồng trọt, vẫn cho rằng, về chuyện cây bo bo, nếu như có được đầu ra, đảm bảo bao tiêu thì đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bo bo là một trong nhóm bốn cây lương thực chính trên thế giới. Cây bo bo có sinh khối lớn, tạo ra nguồn thức ăn lớn, tăng trưởng rất nhanh. Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi mà ngành nông nghiệp, chăn nuôi vẫn đang đóng vai trò quan trọng. Nhu cầu thức ăn cho gia cầm, gia súc trong vài năm tới là rất lớn. Do đó, cây bo bo sẽ đáp ứng nhu cầu cho hiện tại và cả tương lai, dần dần thay thế những loại cây làm thức ăn phổ biến như ngô.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn