Đó là nhận định của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội về nguyên nhân khiến siêu thị nội khó cạnh tranh và bị “xâu xé” bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian gần đây, hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam (VN) nổ ra rầm rộ với sự góp mặt của nhiều “ông lớn” tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… Gần đây, việc cả hai chuỗi phân phối lớn là Metro và BigC lần lượt vào tay người Thái khiến DN Việt lo sợ sẽ bị “nắm thóp” và hụt hơi trong quá trình cạnh tranh bởi người nắm khâu bán lẻ sẽ làm chủ cả ngành sản xuất.
Tại Hội thảo “Thị trường bán lẻ VN: Cơ hội và thách thức”, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “cơ sự” này là do “giá ở mức cao vô lý”. Ông dẫn chứng, trứng gà trong siêu thị có giá tới 47.000 đồng, gấp hơn 2 lần so với giá bán bên ngoài. Hay như Hapro - một DN bán lẻ có vốn nhà nước, mặc dù có chương trình bình ổn giá tốn hàng trăm tỷ đồng nhưng giá vẫn cứ cao.
Doanh nghiệp Việt đang điêu đứng trên chính sân nhà của mình. |
Liên quan đến việc Big C sau khi về tay Central Group bất ngờ tăng chiết khấu “cắt cổ” DN nội địa, ông Phú thẳng thắn cho rằng: “Không chỉ Big C mà ngay cả siêu thị nội cũng ra sức “ép” với hàng loạt loại phí, từ phí tạo mã tới phí thường niên... Chúng ta tự hại chúng ta đến 70%, trong khi sức ép từ DN ngoại từ Thái, Mỹ, Australia chỉ có 30%. Hiện dư địa hỗ trợ đã không còn, nếu không cạnh tranh thì DN phải chấp nhận phá sản. Nước đến chân rồi vẫn còn đi bộ!”.
Một nguyên nhân khác được ông Phú chỉ ra là hệ thống phân phối và quy hoạch ngành còn nhiều bất cập. Đơn cử như mặt hàng trứng gà và cánh gà CP có mặt ở hầu hết các siêu thị thì đặc sản gà đồi Yên Thế vẫn “loay hoay” không tìm được chỗ đứng tại các kệ hàng. Chưa kể, chỉ trong vòng 700m đường Thái Thịnh “quy hoạch” có tới 3 siêu thị: Hapro, Fivimart và Lotte rất khó hiểu.
Theo PGS-TS Nguyễn Thừa Lộc (ĐH Kinh tế quốc dân), thị trường bán lẻ VN năm 2008 từng được xếp hạng hấp dẫn nhất thế giới, sau đó “văng” ra khỏi top 30. Năm 2015 xếp thứ 41/50 quốc gia và nằm trong top 10 thị trường bán lẻ kém hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới.
Về tiếp cận với nguồn vốn, ông Lộc cho hay, ngay DN bán lẻ lớn như Saigon Coop chỉ có 1.000 tỷ đồng vốn tự có, chỉ đủ 15 - 20% nhu cầu kinh doanh, còn lại phải đi vay. Trong khi đó, lãi suất cho vay ở VN vẫn ở mức từ 7-11%/năm, gấp 2 - 3 lần so với các mức lãi suất của các nước khác trong khu vực (Philippines là 2,2%/năm; Malaysia là 2,1%/năm). “Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, DN bán lẻ VN không thể cạnh tranh được với các DN nước khác” - ông Lộc nhận định.
Mặt khác, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổng mức thuế của VN là 40,8%. Tỉ trọng thuế trên lợi nhuận mà DNVN phải nộp cao hơn rất nhiều nước trong khu vực như: Singapore là 18,4%, Thái Lan khoảng 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... Với tỉ lệ này, thuế “ăn” hết lợi nhuận của DN, không thể còn nguồn để đầu tư tái mở rộng kinh doanh, khó có thể có nguồn lực cạnh tranh với DN nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, để thúc đẩy hệ thống phân phối nội địa, Nhà nước cần phải có ưu đãi về vị trí mặt bằng, vốn vay… Tuy nhiên, thứ trưởng cũng thẳng thắn nêu lên thực tế, có nhiều nhà bán lẻ trong nước đã nhận được nhiều ưu đãi và phát triển lớn mạnh, sau đó lại tự đi “bán mình” cho các nhà bán lẻ quốc tế. Đơn cử như Phú Thái, Nguyễn Kim, Kinh Đô… khiến điều này vô tình trở thành hỗ trợ cho… DN nước ngoài.
Theo Lao Động