Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện khoảng 150 container hàng hóa của các doanh nghiệp Việt chủ yếu là hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, dự kiến cập cảng vào cuối tháng 9 đang lênh đênh trên tàu của Hanjin. Trong đó còn có khoảng 20 container hàng của doanh nghiệp ở khu vực Tây Nam dự kiến xuất khẩu sang các thị trường lớn đang bị vướng rải rác ở nhiều cảng biển của Malaysia, Singapore, Hàn Quốc…
Còn theo báo cáo của hãng tàu Hanjin Việt Nam, hiện có khoảng 3.000 container hàng hóa của Việt Nam chưa thể về nước hoặc chưa thể hoàn thành việc xuất khẩu.
3.000 container hàng dệt may, thủy sản đang có nguy cơ bị hư hỏng, doanh nghiệp Việt có thể phải bồi thường trễ hạn giao hàng…do hãng tàu Hanjin (Hàn Quốc) phá sản. Ảnh: AFP |
Nhiều doanh nghiệp Việt đang tính đến giải pháp buộc chủ hàng “rút ruột” để đưa hàng vào một container khác, sau đó chuyển về Việt Nam hoặc đặt một tàu khác tiếp tục hành trình đến cảng cuối cùng.
Theo tính toán của họ, chủ hàng sẽ phải trả 4.000 USD cho một container chuyển về nước và 7.000 USD cho một container tiếp tục sang châu Âu. Chưa kể chi phí phát sinh chuyển đổi, giấy phép… rất lớn. Điều này khiến nhiều chủ hàng đứng ngồi không yên vì tiến thoái lưỡng nan.
Trước tình hình này, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương đã cùng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp Việt.
Bộ này yêu cầu Cục Hàng hải phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng theo dõi sát tình hình tàu và container của hãng tàu Hanjin vào cảng. Bộ chỉ đạo các đơn vị trên bố trí quy trình và phương tiện hợp lý để giúp doanh nghiệp nhận và giải phóng hàng nhanh chóng, thuận lợi, lấy hàng ra và chuyển sang các hãng tàu khác.
Bộ cũng đề nghị các hiệp hội hướng dẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông tin cần thiết để lựa chọn các hãng tàu thay thế, tránh bị chậm trễ trong giao nhận hàng và gây ùn tắc tại cảng, đồng thời trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên với Bộ Công Thương về tình hình nhận hàng, gửi hàng của các doanh nghiệp ký hợp đồng với hãng tàu Hanjin.
Ở một diễn biến khác, vào ngày 22/9, Ban lãnh đạo Korean Air đã nhất trí cung cấp khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 60 tỷ won (54 triệu USD) “cứu” công ty vận tải đường biển Hanjin Shipping của Hàn Quốc. Cùng lúc, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), chủ nợ của Hanjin Shipping, cho biết đang cân nhắc khoản tín dụng trị giá 50 tỷ won (45 triệu USD), để hỗ trợ các tàu đang bị “mắc kẹt” tại các cảng, do vụ phá sản của Hanjin Shipping.
Trước đó, vào ngày 31/8, khi Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) tại Việt Nam ra thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới, Bộ Công Thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành thủ tục nhận và thông quan giải phóng hàng ra khỏi container của Hãng Hanjin.
Đối với các lô hàng xuất khẩu đã đưa vào container của Hãng Hanjin, nhanh chóng lấy hàng ra khỏi container và liên hệ với đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu cũng như lịch booking hàng hóa.
Với các lô hàng đang được chuyên chở trên tàu của Hãng Hanjin, tiếp tục làm việc với Văn phòng đại diện của Hãng Hanjin tại Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp với đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.
Theo Zing