Tuy nhiên, thực tế vấn đề đảm bảo ATVSTP tại TP.HCM vẫn rất nhức nhối, là căn bệnh “kinh niên” mà vẫn chưa có “phương thuốc” thực sự hữu hiệu.
Thịt heo, thịt trâu tẩm hóa chất biến thành thịt bò bị lực lượng chức năng phát hiện tại TP.HCM. |
Miếng ăn đang bị“đầu độc”
Vẫn dưới các chiêu núp bóng cơ sở uy tín, được lòng người tiêu dùng… thực phẩm bẩn ngang nhiên hiện diện trong bữa ăn của mọi gia đình mà chẳng ai hay biết. Đùng một cái, cơ quan chức năng ập vào kiểm tra, bắt quả tang thì mới “ngã ngửa” ra, những thực phẩm ta “yêu thích” hằng ngày toàn ngậm hoá chất độc hại.
Hôm qua (13/10), Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết vừa phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất tương ớt Thành Phát (174/12G Thái Phiên, P.8, Q.11, TP.HCM). Tại hiện trường, đoàn phát hiện có 2 tấn tương ớt sản xuất theo quy trình “ba không”: Không vệ sinh, không quy trình và không theo đúng chỉ tiêu công bố trên nhãn sản phẩm.
Toàn bộ nguyên liệu như bột phụ gia, phẩm màu, hương liệu… để bừa bãi trên nền nhà bẩn thỉu, sản xuất gần nhà vệ sinh… Trên bao bì sản phẩm tương ớt công khai công thức có dùng ớt bột, ớt trái, tỏi… Nhưng lúc kiểm tra, đoàn liên ngành chỉ thấy những can nhựa đựng “hương tỏi” không rõ nguồn gốc trong khi các bao tải đựng chất bảo quản Sodium Benzoat bị dơ bẩn, không rõ nguồn gốc, có in chữ Trung Quốc.
Rùng mình hơn khi bà Huỳnh Lệ Phấn - chủ cơ sở “bật mí” cách làm tương bằng nước lã và hóa chất. Với tương ớt thì dùng 60% nước lạnh đem đun sôi 90 độ C rồi bỏ các nguyên liệu không rõ nguồn gốc vào và nấu khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, hỗn hợp này tạo thành tương ớt và sang chiết vào các can nhựa.
Còn tương đen thì đổ 70% nước đun sôi đến 90 độ C rồi bỏ tinh bột biến tính vào cùng caramen, nấu khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi để nguội. Sau đó bơm vào bồn inox và chiết ra các can nhựa, bao nilon. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 300kg thành phẩm ra thị trường, bán tại nhiều sạp tạp hóa trong chợ Phạm Văn Hai, chợ Tân Bình và nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố.
“Thịt trâu sau khi ngâm hóa chất sẽ biến thành thịt bò. Sau đó, những sản phẩm này được chúng tôi mang đi tiêu thụ tại các chợ trong thành phố và các nhà hàng, quán ăn chế biến món bò kho”, bà Nguyễn Thị Thạnh, chủ cơ sở thực phẩm ở Hóc Môn, thừa nhận với cơ quan chức năng. |
Không chỉ thực phẩm ngậm hoá chất, nhiều loại ôi thiu được “nhào nặn” thành mới, thậm chí còn “hô biến” chúng thành một chủng loại khác hòng đánh lừa người tiêu dùng.
Công ty TNHH Bính Hạnh (209/14 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM) bị cơ quan chức năng phát hiện đã “phù phép” thịt heo nái thành thịt bò trong thời gian dài. Ông Nguyễn Xuân Bính - Giám đốc Công ty Bính Hạnh thừa nhận đã mua thịt heo nái ở các nơi khác về, cho công nhân chế biến bằng cách ngâm hóa chất Metabisulfite để thành thịt bò.
Với thủ đoạn này, mỗi ngày công ty này tuồn ra thị trường từ 5 - 6 tạ thịt bẩn với giá tiền từ 135.000 đồng - 140.000 đồng/kg. “Rất may chúng tôi phát hiện kịp thời, nếu không người dân phải còn ăn các loại thịt “đểu” và độc hại này thì rất nguy hiểm”- một cán bộ Thú y TP.HCM nói.
Gần đây, Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã phối hợp cùng đội quản lý thị trường H.Hóc Môn, Phòng cảnh sát môi trường công an TP.HCM kiểm tra căn nhà tại số 5/4 ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, H. Hóc Môn do bà Nguyễn Thị Thạnh, 54 tuổi, ngụ H. Củ Chi làm chủ, phát hiện cơ sở này đang ngâm, tẩm hàng tấn thịt trâu vào hóa chất để biến thành thịt bò.
Tại hiện trường, gần 3 tấn thịt trâu được nhập từ Ấn Độ về bị thu giữ gồm 74 thùng thịt trâu nguyên liệu với trọng lượng hơn 1,3 tấn đang rã đông, bên cạnh đó là hơn 1 tấn thịt đã rã đông và đang tẩm ướp hóa chất để biến thành thịt bò, cùng gần 500kg thịt đã rã đông chuẩn bị tẩm ướp hóa chất.
Kiểm tra căn nhà, cơ quan chức năng còn phát hiện hai bao hóa chất dạng bột màu trắng với trọng lượng khoảng 50kg. Bà Thạnh cho biết, số hóa chất trên được bà mua từ Chợ Lớn với giá 20.000 đồng/kg. Cơ sở này đã hoạt động khoảng 3 năm nay và không có bất kỳ một loại giấy tờ nào của cơ quan chức năng cấp phép.
Còn những vụ có liên quan đến vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, thực phẩm tươi sống trong quá trình phân hủy… hầu như ngày nào cơ quan chức năng TP.HCM cũng phát hiện. Mới đây nhất, chiều tối ngày 19/9, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP Q.Thủ Đức kiểm tra cơ sở kinh doanh hải sản thịt các loại nằm trên đường Tam Bình (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức), phát hiện gần cả tấn nội tạng động vật không có xuất xứ, bao bì không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, có dấu hiệu ôi thiu.
Đột kích lò sản xuất tương ớt, tương đen “ba không” Thành Phát (Q.11). |
Quản không xuể!
Trong khi ngày ngày thực phẩm bẩn vẫn tuồn vào thành phố hơn 10 triệu dân qua nhiều hình thức, công tác quản lý nhà nước về VSATTP lại gặp nhiều bất cập. Theo UBND TP, hiện trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, với sản lượng nông sản tự sản xuất chỉ đáp ứng cung cấp 20-30% nhu cầu thị trường, còn lại là thực phẩm được cung cấp bởi các địa phương lân cận và phía Bắc chuyển vào.
Từ tháng 12/2015 cho đến nay, các cơ quan chức năng của TP đã thực hiện thanh tra 1.158 cuộc, trong đó gần 7.100 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa” khi mới chỉ có hơn 550 trường hợp bị phát hiện và xử lý hành chính. Trong khi đó, TP thừa nhận vẫn còn hạn chế trong hệ thống văn bản về VSATTP, khiến cơ quan quản lý chưa phát huy được hiệu quả công tác.
Ông Nguyễn Văn Bách - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận: “Lực lượng các đội QLTT rất mỏng, trong khi các đối tượng rất tinh vi, luôn thay đổi địa điểm, phương thức hoạt động. Chúng thường chọn các vùng nông thôn, ngoại thành, các vùng giáp ranh để sản xuất, giết mổ, chế biến sau đó mới tìm cách tuồn vào TP. Do đó, QLTT chủ yếu dựa vào nguồn tin từ người dân cung cấp, cài trinh sát theo dõi nhiều ngày liền để bắt trọn gói. Vì vậy, công tác quản lý thực phẩm của QLTT vẫn còn nhiều khó khăn”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM nói quản lý thực phẩm đang là thách thức. “Hiện, TP đã thành lập 15 đội thanh tra chuyên ngành được quyền kiểm tra và xử phạt khi phát hiện các điểm buôn bán có dấu hiệu vi phạm. TP.HCM cũng đang xin phép cho mở rộng lực lượng thanh tra này để góp phần quản lý thực phẩm bẩn hiệu quả hơn”- bà Mai thông tin.
Theo Tiền Phong