Những lo ngại về độ an toàn của hải sản miền Trung thời gian gần đây đang khiến các đầu mối cung ứng hải sản sạch, nguồn gốc từ các ngư trường xa khu vực Bắc Trung bộ bận rộn và được săn đón hơn lúc nào hết.
Dạo quanh các website và fanpage chuyên cung cấp hải sản được đảm bảo là sạch, các đơn vị này khẳng định hàng được lấy từ các vùng biển an toàn như: Bình Thuận, Khánh Hòa, Côn Đảo, Cần Giờ hay Phú Quốc. Giá các mặt hàng hải sản tương đối cao so với ở chợ nhưng vẫn được nhiều người đặt mua. Việc chào bán và thỏa thuận hoàn toàn diễn ra trên mạng và điện thoại. Sau đó, đại lý sẽ đóng thùng theo đặt hàng cho khách và gửi về Sài Gòn bằng tàu hỏa, xe khách hay máy bay.
Ví dụ như với hải sản từ Côn Đảo, khách đặt xong sẽ được đóng riêng mỗi khách một thùng. Hàng được gửi qua dịch vụ của sân bay Côn Đảo. Hàng đến sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Huế, Đà Nẵng… thì khách có thể tự ra nhận hoặc chọn trả thêm tiền để lấy hàng tận nhà.
Nhu cầu hải sản sạch đang tăng mạnh. |
“Từ khi có thông tin hải sản ở miền Trung bị nhiễm độc thì doanh thu của bên tôi tăng rõ rệt. Đặc biệt có các đơn đặt hàng từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng… nơi mà trước kia không có. Các mặt hàng được chọn nhiều là cá thu, cá bớp, cá mú, cá nục, cá ngừ, cá bạc má, cá ngân, mực, tôm, ghẹ… giá dao động từ 90.000 đồng đến 300.000 đồng một kg”, chị Dương Thị Thủy, Chủ cửa hàng Hải sản Côn Đảo - Dương Thủy trên đường Phạm Văn Đồng, huyện Côn Đảo cho hay.
Tại Sài Gòn, nhiều người đang sống tại đây nhưng có người thân ở các tỉnh Nam Trung bộ cũng nhanh nhạy tham gia dịch vụ “xách tay” hải sản từ quê để cung cấp cho những khách hàng không an tâm khi đi chợ. Theo tiết lộ của vài mối “xách tay”, việc nhận đặt mua hải sản thế này khá lời. Một kg cá ngân ngoài cảng ở Lagi (Bình Thuận) chỉ 25.000 đồng, đóng thùng xốp vào Sài Gòn bán 90.000 đồng. Mực cỡ giá 100.000 đồng một kg chuyển vào bán 200.000 đồng...
Dịch vụ "xách tay" hải sản đang ăn nên làm ra. |
Tuy nhiên, cũng theo các mối “xách tay”, hải sản cung ứng về Sài Gòn nhiều khi không đủ cầu, một số loại thậm chí khan hiếm. Hiện tại, khó tìm nhất phải kể đến hải sản Phú Quốc chính hiệu. Nguồn cung hải sản từ đảo này khá hiếm do nhu cầu tiêu thụ địa phương ngày một tăng cao.
“Hải sản ở đây mà xách về tới Sài Gòn được chắc không nhiều đâu. Ngư dân đánh bắt bao nhiêu là nhà hàng, khách sạn trên đảo gom sạch. Họ cũng tranh thủ trữ hàng dữ lắm. Có hôm cần thêm hàng, ra chợ mua 10kg mực mà không có”, chị Hoàng Lan – phụ trông coi một nhà hàng ở Bãi Sao, Phú Quốc cho biết. Hiện tại, giá sỉ cá bớp tại Phú Quốc khoảng 160.000-170.000 đồng một kg, cá thu khoảng 120.000 đồng, mực 120.000-140.000 đồng, ghẹ từ 120.000 đến 150.000 đồng một kg. Theo chị Lan, với mức giá sỉ này, các nhà hàng thu về bán cho khách rất lãi nên đầu mối đưa về Sài Gòn không dễ tranh thủ được nguồn.
Đối với hải sản từ các địa phương khác ở Nam Trung bộ, tình trạng khan hàng cũng diễn ra. Một năm trở lại đây, mực ở Côn Đảo ngày càng ít dù giá tăng. Hải sản ở Lagi hay Phan Thiết cũng hiếm dần vì phạm vi ngư trường an toàn để đánh bắt bị thu hẹp.
“Năm nay, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm hơn năm ngoái do ngư trường đánh bắt miền Trung bị 'gãy'. Giá một số mặt hàng nguyên liệu để công ty tôi làm khô tăng nhẹ từ 20% đến 30%. Giá mực nguyên liệu tăng gần như gấp đôi so với năm ngoái. Trong khi đó, sức mua các mặt hàng khô từ hải sản lại không giảm, khách du lịch người ta vẫn rất chuộng mặt hàng này. Sản lượng xuất khẩu đầu năm đến giờ thì giảm do không đủ nguyên liệu để nhận thêm đặt hàng”, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Thương mại - Chế biến hải sản Đầm Sen, một đơn vị chuyên sản xuất và chế biến hải sản khô ăn liền tại Phan Thiết, Bình Thuận cho hay.
Theo VnExpress