Tìm kiếm từ khóa "mứt Tết" trên mạng xã hội những ngày này có thể thấy ngay danh sách dài địa chỉ kinh doanh với đủ mức giá, không theo quy chuẩn nào, có nơi chênh nhau đến cả trăm nghìn mỗi kg. Có địa chỉ rao bán mứt nhà làm 180.000 đồng/kg, nhưng cũng cùng mặt hàng đó, địa chỉ khác lại có giá tới 320.000 đồng/kg.
Chiêu quảng cáo để hút khách duy nhất tại các trang này chỉ là từ khóa "nhà làm, không chất bảo quản, không phẩm màu, chất phụ gia", đã đánh đúng tâm lý lo ngại thực phẩm không an toàn hiện nay của các bà nội trợ nên lượng đặt hàng ồ ạt tăng.
Chủ một trang bán mứt dừa trên Facebook có lượng khách mua khá đông, quảng cáo đây là mứt dừa non handmade nhà chị làm trực tiếp từ Bến Tre, không phụ gia, không chất bảo quản, đảm bảo thơm ngon. Ngoài ra, mứt sẽ được giao hàng tận nơi trên toàn quốc, khách được ăn thử ngay khi sản phẩm mang đến và không cần trả tiền nếu thấy không ngon.
Mứt dừa non hàng chị có nhiều loại, với giá 180.000 - 240.000 đồng/kg. Chị đảm bảo mứt dừa không có chất bảo quản nên ăn được trong 6 tuần, nếu để tủ lạnh có thể dùng trong 7-8 tuần.
Các loại mứt Tết tại chợ truyền thống đã nhập về đầy đủ. Ảnh: Phạm Oanh. |
Trang bán mứt này còn hướng dẫn khách cách nhận biết mứt dừa non và dừa già. Mứt dừa non thường cắt thành sợi dày, khi thành phẩm sẽ có màu sẫm (không trắng), ăn mềm, thơm mùi dừa tự nhiên. Còn mứt già thành phẩm có màu trắng tinh, sợi dẻo, hơi cứng và khô.
Một địa chỉ mứt Tết nhà làm khác được quảng cáo có điểm bán tại quận Bình Thạnh bán đến 19 loại mứt cùng với các loại trái cây sấy. Tuy nhiên, giá tất cả các loại bánh mứt bán tại đây cao hơn hẳn các địa chỉ khác cả trăm nghìn mỗi kg. Điển hình như mứt cà rốt, gừng dẻo đến 320.000 đồng/kg, mứt dừa, đu đủ hay mứt bí 290.000 - 320.000 đồng/kg.
Cô Điềm, giáo viên một trường trung học tại quận Thủ Đức, cho biết cô tranh thủ những lúc ở nhà để làm mứt bán cho người quen. Giá các loại mứt cô bán chỉ dao động 150.000-180.000 đồng/kg. Thời điểm này khách đặt hàng nhiều nhất là mứt dừa, mứt gừng và chùm ruột.
“Năm trước cô chỉ làm ăn trong gia đình nhưng thấy mọi người khen ngon nên làm bán dịp Tết này. Do không dùng chất bảo quản nên cô chỉ làm theo số lượng đơn đặt hàng, không làm sẵn, nhiều vì sợ không có nơi tiêu thụ mứt sẽ nhanh hư”, cô cho biết.
Theo chia sẻ của chị Thảo ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, vài năm trở lại đây chị thường đặt mua mứt trên mạng. “Mình thấy quảng cáo mứt do nhà làm, không phẩm màu và mình thường chỉ đặt của những mối quen nên cũng yên tâm. Giá cả thì người bán nói giá nào khách sẽ mua như vậy, không ai mặc cả”, chị Thảo nói thêm.
Ngoài hình thức bán lẻ từng loại mứt, nhiều trang còn rao bán hộp mứt có trọng lượng 1 kg, bao gồm 8-10 loại khác nhau với giá 200.000 đồng/hộp. Hộp mứt này sẽ được gói theo yêu cầu khách hàng.
Điều đáng chú ý là phần lớn các địa chỉ bán mứt nhà làm chỉ quảng cáo chung chung là sản phẩm handmade, không có thông tin ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng, không hướng dẫn cách bảo quản cụ thể ra sao. Khách hàng chủ yếu dựa vào niềm tin, khẳng định của người bán hàng và quen biết chứ không thắc mắc gì về chất lượng.
Giá cả các sản phẩm được quảng cáo nhà làm cũng rất hiếm khách mua hàng quan tâm. Chị Phương, chủ một địa chỉ bán rau sạch, đặc sản vùng miền cho biết cách làm giá của chị là "rảo" một vòng các trang bán sản phẩm cùng loại để định giá, chứ không theo quy định nào.
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP.HCM như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 3), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức)... thời điểm này tiểu thương đã nhập gần như đầy đủ các loại mứt Tết về bán.
Giá tại các chợ chênh lệch nhau không nhiều, dao động 170.000-180.000 đồng/kg với các loại quen thuộc như dừa, bí, khoai lang... nhưng giá này chỉ bằng một nửa so với giá mứt cùng loại tại một số nơi trên “chợ mạng”. Nhân viên một cửa hàng mứt tại chợ Bà Chiểu cho biết mứt dừa là loại được nhập nhiều nhất, và cũng được mua nhiều nhất qua các năm.
Tại các siêu thị, trên kệ mứt thời điểm này cũng đã có trên 10 loại được bày bán, như mứt me, mứt gừng, mứt tắc,… với giá trung bình khoảng 220.000 đồng/kg.
Theo Zing